Tại cuộc họp hôm thứ Ba, các nhà ngoại giao và các chuyên gia pháp lý và kỹ thuật từ các quốc gia thành viên của UNESCO đã trình bày các hướng dẫn toàn cầu trong một dự án có tên "Khoa học Mở".
Các chuyên gia của UNESCO cho biết đại dịch đã cho thấy triển vọng trong việc chia sẻ các nghiên cứu nhạy cảm là hoàn toàn khả thi: các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định trình tự và chia sẻ bộ gen của virus SARS-CoV-2 vào tháng 1 năm 2020, cho phép các nhà nghiên cứu Đức nhanh chóng đưa ra một thử nghiệm sàng lọc được chia sẻ trên khắp thế giới.
Bà Ana Persic, trưởng bộ phận chính sách khoa học tại tổ chức UNESCO, cho biết: “Cuộc khủng hoảng làm nổi bật lên cách thức sản xuất, chia sẻ và truyền đạt thông tin khoa học. Đây là một sự thay đổi mô hình cho cộng đồng khoa học".
Các cuộc đàm phán về dự án "Khoa học Mở" nhằm đưa ra một “bộ luật mềm” vào cuối năm nay để các chính phủ có thể sử dụng làm hướng dẫn để thiết lập các chính sách khoa học và chia sẻ một cách có hệ thống các dữ liệu, phần mềm và nghiên cứu xuyên biên giới.
Bà Persic thừa nhận việc từ bỏ các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19 nhạy cảm hơn so với việc chia sẻ thông tin về bộ gen hoặc các quy trình thử nghiệm vì các hãng dược và nhiều quốc gia đã bỏ ra một số vốn rất lớn để nghiên cứu và đang thu lại thành quả.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế sẽ không giải quyết được vấn nạn thiếu hụt vaccine tại các quốc gia đang phát triển. Thay vào đó, họ đang thúc đẩy các hành động tức thì hơn, như thúc giục Mỹ tiếp tục xuất khẩu các lô vaccine dư thừa.
"Trong trường hợp khẩn cấp hoặc khủng hoảng, có thể có cách dỡ bỏ các bằng sáng chế đó. Người ta có thể bảo vệ dữ liệu theo một cách nhất định và vẫn chia sẻ dữ liệu đó”, bà Persic chỉ ra.
Thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế vaccine được đưa ra ngay khi các chuyên gia UNESCO thảo luận về kế hoạch "Khoa học Mở".
Theo bà Persic cho biết, động thái của ông Biden “được đón nhận như một cái gật đầu tích cực” đối với những nỗ lực của UNESCO.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết việc dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine ngừa COVID-19 “có thể cứu sống hàng triệu người và đóng vai trò như một kế hoạch chi tiết cho tương lai của hợp tác khoa học. COVID-19 không tôn trọng biên giới. Sẽ không có quốc gia nào an toàn cho đến khi người dân mọi quốc gia được tiếp cận với vaccine".