Theo TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K, ở khu vực châu Á, Đông Nam Á, tỉ lệ ung thư vú trẻ khá cao, trong khi đó ở các nước Âu, Mỹ, ung thư vú hay gặp ở người lớn tuổi. Ngay ở Nhật Bản và một số nước châu Á cũng có bệnh nhân 26-27 tuổi đã bị ung thư vú. Tại Việt Nam, tỉ lệ ung thư vú ở độ tuổi 31-36 đã cao hơn các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Bản thân bác sỹ Lê Thanh Đức đã và đang điều trị cho không ít bệnh nhân bị ung thư vú còn rất trẻ. Tất nhiều trong số đó chưa có gia đình và có người vừa còn bước vào ngưỡng cửa đại học, có người may mắn phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đến bệnh viện khi bệnh đã nặng nên bỏ lỡ mất cơ hội điều trị.
Đặc biệt, có những bệnh nhân nghe lời mách bảo truyền miệng đã tự lấy lá, cao để đắp hoặc tìm đến những ông lang vườn đắp thuốc lá với hi vọng không phải “đụng dạo kéo”. Kết quả là khối u không những không teo đi mà còn lở loét, căng phồng. Và điều quan trọng là họ đã tự tước đi cơ hội điều trị vì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn.
Bác sỹ Đỗ Huyền Nga, Phó Khoa Nội 1, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết thêm, mới đây, BV đã tiếp nhận nữ bệnh nhân C, 52 tuổi ở Phú Thọ nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Trước đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C lại tự ý nhờ người làng mua thuốc lá của một thầy lang trên núi. Thứ thuốc lá đắp ngực khiến bà C cảm thấy nóng rát, đau tức nhưng bà cố gắng chịu đựng vì tin đó là thuốc đang “có tác dụng”. Chỉ đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới ép bà C phải đi khám. Tại Bệnh viện K, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà C bị nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá. Phần hoại tử đã lan rộng sang nách, do đó, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách. Điều đáng tiếc khối u vú của bà C đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn 4.
Bác sỹ Lê Thanh Đức cũng chia sẻ, ở khoa Nội 5 thi thoảng cũng tiếp nhận các bệnh nhân nữ đến thăm khám u vú trong tình trạng đã bị tổn thương nặng vùng vú, ngực loét, nách to, sưng đỏ... Hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường di căn phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả.
“Từ thực tiễn cho thấy người bệnh nên tin tưởng và làm theo cách chữa bệnh khoa học, tránh tâm lý buông xuôi muốn đến đâu thì đến, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học để chữa bệnh theo cách mách bảo, theo mạng xã hội để rồi tiền mất mà thêm tật. Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn” - bác sỹ Đức cảnh báo.
Thực trạng đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4. Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%. Việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.