Giới mộ điệu HAGL mới đây không khỏi háo hức trước tin tiền đạo Nguyễn Công Phượng…mở quán cà phê. CP10 Coffee được mở tại một địa điểm trên đường Cù Chính Lan, thành phố Pleiku.
Theo tìm hiểu, “dự án làm ăn” này do Công Phượng bắt tay với 2 người bạn thân. Quán bán cà phê sạch do các ông chủ tự rang xay, pha chế để tạo thương hiệu riêng. Được biết, phần vốn Công Phượng góp thành lập quán chính là…thương hiệu trên sân bóng. Do bận tập luyện, thi đấu, hoạt động điều hành quán hoàn toàn do các bạn của tiền đạo HAGL đảm nhiệm. Nhờ được nhiều CĐV yêu mến, quán cà phê của Công Phượng và các bạn nhanh chóng thu hút nhiều “fan” đến ủng hộ.
Dù là ngôi sao ở HAGL, nhưng lương của Công Phượng cũng như nhiều cầu thủ khác đều chỉ ở mức 15 triệu đồng/tháng. Lý do đội bóng phố núi chỉ phải trả mức lương trên bởi đã tính chi phí đào tạo cầu thủ trong thời gian ăn học tại Học viện HAGL-JMG. Mức lương trên rõ ràng là thấp so với mặt bằng chung ở V-League, chưa nói tầm cỡ ngôi sao như Công Phượng. Chưa kể, HAGL cũng là đội bóng không có cơ chế thưởng ở V-League. Chỉ khi nào đội đá hay, giành chiến thắng, bầu Đức có thể “sướng” lên thì sẽ thưởng để động viên.
Thời còn rủng rỉnh tiền bạc, các ông chủ ở V-League chi trả lương bổng cho cầu thủ khá thoải mái. Những cầu thủ ngôi sao có thể nhận tiền lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng. Cỡ thấp hơn cũng không dưới 30 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng cao ngất ngưởng. Công Vinh là một ví dụ trong số này. Tiền đạo gốc Nghệ khi đầu quân cho B.Bình Dương cách đây ít năm được nhận mức lương 50 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên độ đôi năm trở lại đây, không còn mấy đội bóng ở V-League dám “chơi bạo”. Kinh tế khó khă khiến các CLB đều phải siết lại chi tiêu. Thu nhập của giới cầu thủ vì vậy cũng sụt giảm đáng kể. Nhiều người vì vậy buộc lòng phải làm thêm nghề “tay trái” để kiếm tiền.
Tiền đạo Anh Đức của B.Bình Dương hồi năm 2016 đã mở một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao ở thị trấn Thủ Dầu Một. Hay như tiền đạo Quang Hải (biệt danh Hải “gà”) đã cùng vợ mở cửa hàng ăn uống ở thành phố biển Nha Trang. Khách của Quang Hải có đủ thành phần, nhưng khá đông là các đồng nghiệp “quần đùi, áo số”. Nhiều đội bóng khi thi đấu ở Nha Trang, xong trận các cầu thủ đều rủ nhau qua quán của Hải “gà” để ăn nhậu ủng hộ. Cũng kinh doanh hải sản còn có trung vệ Đại Đồng của CLB Hà Nội. Do có người thân ở quê nhà Thanh Hoá, Đại Đồng đã tranh thủ được nguồn hải sản tươi ngon, khách hàng vì vậy rất ưng ý.
Thủ môn Tấn Trường của Bình Dương thì cũng bạn hùn vốn mở sân cỏ nhân tạo tại Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh. Số khác như tiền vệ Thái Dương từng thi đấu cho HAGL thì kinh doanh hàng thời trang. Cá biệt, trung vệ Nguyễn Thành Long Giang đầu tư trồng nấm bào ngư…
Kiếm tiền qua mạng xã hội
Đây là công cụ kiếm tiền không kém hiệu quả, nhưng chỉ những cầu thủ thuộc hàng “sao”, được nhiều người yêu mến mới có thể làm. Công Phượng hiện có trang facebook riêng, với mỗi “tút” quảng cáo cho sản phẩm nào đó có giá trị không dưới 70 triệu đồng. Kiếm được vậy là nhờ trang của tiền đạo HAGL có lượng người “like” lên tới hơn 1,7 triệu và cũng chừng nấy người “follow” (theo dõi). Lâu lâu lại thấy tiền đạo HAGL đăng một dòng “tút” quảng cáo cho mặt hàng nào đó, và chắc chắn Công Phượng được trả một khoản rất khá. Dĩ nhiên, Công Phượng không nhận cả mà thu nhập luôn được chia theo tỉ lệ nhất định cho những người cùng chung trách nhiệm quản lý trang.
Tương tự Công Phượng, dù đã giải nghệ nhưng tiền đạo Công Vinh vẫn là cái tên “hot” trong làng bóng đá. Công Vinh hiện đang làm quyền Chủ tịch CLB bóng đá Tp Hồ Chí Minh, nhận thu nhập rất cao từ công việc hiện tại. Tuy nhiên, tiền đạo đàn anh của Công Phượng cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền nhờ trang facebook cá nhân của mình. Các nhãn hàng khi muốn được lên trang của Công Vinh cũng phải trả cho anh hàng chục triệu đồng.
Một số cầu thủ khác ở V-League còn có thể kiếm tiền nhờ hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng, thường là trong lĩnh vực thể thao. Trung vệ Quế Ngọc Hải của SLNA là một trong số này. Ngoài chuyên môn tốt, Hải “Quế” còn có lợi thế gương mặt điển trai, thể hình rất lý tưởng. Chính vì thế, Quế Ngọc Hải được nhiều thương hiệu đặt hàng quảng cáo. Mỗi bản hợp đồng có thể giúp Ngọc Hải kiếm vài trăm triệu đồng. Đây là con số không nhỏ đối với thu nhập của một cầu thủ ở đội bóng vốn nổi tiếng “con nhà nghèo” như SLNA.
Cầu thủ bóng đá vốn chỉ giỏi chuyên môn trên sân cỏ nên thực tế số làm thêm ra tiền được như những người kể trên không nhiều. Đa phần còn lại chỉ biết tập trung đá bóng, hoặc kiếm thêm nhờ các nghề phụ của gia đình. Nam cầu thủ còn đỡ, cầu thủ nữ nhiều người chỉ biết mở gánh bánh mì hoặc buôn bán hoa quả, cũng chỉ phần nào giúp cuộc sống bớt chật vật.