Bóng đá Việt Nam có dám nói không với tiêu cực?

(Ngày Nay) - Đây là câu hỏi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị sơ kết 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 19/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ VHDL&TT, ngành thể dục-thể thao và đông đảo những người làm bóng đá cả nước.

Báo cáo của Bộ VHTT&DL cho biết, trong những năm gần đây, cơ sở vật chất dành cho bóng đá được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn lực xã hội hoá, hình thành hệ thống thi đấu bóng đá phong trào. Hiện cả nước có 15.000 sân bóng đá, trên 4.000 CLB bóng đá phong trào.

Hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên bóng đá và nâng cao chất lượng, thành tích các đội tuyển bóng đá quốc gia tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, đạt được một số thành tích nhất định.

Đối với bóng đá chuyên nghiệp, cả nước có trên 55 CLB đỉnh cao, đang dần được hoàn thiện, bước đầu mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam chưa đạt được do nhiều hạn chế, yếu kém như trong phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

“Bộ máy quản lý Nhà nước về bóng đá từ Trung ương đến địa phương còn yếu, lúng túng trong đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý hoạt động. Công tác tổ chức các giải thi đấu bóng đá bị ảnh hưởng bởi các hành vi tiêu cực, bạo lực, hành xử thiếu văn hoá của một bộ phận cán bộ quản lý, vận động viên, huấn luyện viên; lúng túng trong xử lý vi phạm… Bệnh thành tích, coi trọng kết quả ngắn hạn còn phổ biến.

Bóng đá đỉnh cao và đội tuyển quốc gia còn nhiều hạn chế, thành tích không ổn định, còn thấp so với châu lục, lực lượng vận động viên còn mỏng”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các ý kiến phát biểu cần đi vào thực chất những vấn đề của bóng đá Việt Nam đang gặp phải với “tinh thần nhận trách nhiệm rõ ràng của Bộ VHDL&TT, của Tổng cục Thể dục-Thể thao, các sở, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam…”.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam: Bóng đá phong trào; nâng cao năng lực, công tác đào tạo đội ngũ người làm bóng đá, huấn luyện viên, vận động viên; phát triển bóng đá chuyên nghiệp, phòng chống tiêu cực…

Đại diện Sở Văn hoá và Thể thao Khánh Hòa cho rằng, muốn phát triển bóng đá chuyên nghiệp phải dựa trên bóng đá phong trào, đồng thời bóng đá chuyên nghiệp là động lực, hạt nhân để thúc đẩy bóng đá phong trào, bóng đá trường học.

Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh khẳng định yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại của bóng đá chuyên nghiệp là niềm tin về bóng đá sạch. Đây cũng là mục tiêu theo đuổi của CLB Than Quảng Ninh nhằm tạo dựng niềm tin trong lòng người hâm mộ.

“Một nền bóng đá sạch phải sạch từ công tác quản lý đến thi đấu và cả trên khán đài”, ông Hùng bày tỏ và kiến nghị Bộ VHTT&DL cần làm việc với các địa phương để thống nhất quan điểm, nhận thức, định hướng phát triển bóng đá.

Tại hội nghị, nhiều câu hỏi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra cho những người làm bóng đá: “Bóng đá Việt Nam có thể tiến bộ hơn không, đã giống quốc tế chưa hay phát triển theo hình chóp ngược đội vô địch không đủ điều kiện dự giải châu lục? Trọng tâm là nhằm vào bóng đá trẻ, bóng đá phong trào, bóng đá nữ, hay giải chuyên nghiệp. Từ đó chúng ta mới có thể làm rõ chỗ nào, khâu nào yếu, ban tổ chức tốt chưa, chuyên nghiệp chưa? Còn hiện tượng nhường điểm, cho điểm, vỗ vai nhau không? Các giải bóng đá chuyên nghiệp trung thực, đã sạch chưa khi người dân thích xem bóng đá thiếu nhi hơn? Những người làm bóng đá Việt Nam có kiên quyết nói không với tiêu cực?”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là các vấn đề chúng ta phải đặt ra, bàn thảo kỹ để thống nhất phương châm hành động tiếp theo ra sao. Bóng đá không thể phát triển nóng vội, cần theo đúng xu hướng quốc tế, khoa học, có nền tảng căn bản từ dinh dưỡng trở đi với lộ trình cụ thể, kiên định thực hiện.

Theo Chính phủ
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.