Vải được mùa...
Anh Hoàng Văn Quyền cùng con trai bó vải từ sớm để vận chuyển ra các điểm thu mua. Theo anh Quyền, năm nay vườn nhà anh được mùa vải. |
Ông Đỗ Văn Nguyên - Trưởng thôn Trại Cháy, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, nhìn chung năm nay các hộ dân trong thôn được mùa vải. Thời điểm đầu mùa, giá vải rẻ chỉ từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg nên người dân rất lo lắng. Gần đây giá vải đã tăng lên, thương lái thu mua với mức giá từ 10.000 đồng/kg trở lên nên người dân cũng phấn khởi hơn. Làm được vụ vải chỉ mong không mất giá, không bị ép giá là mừng. |
Chúng tôi đã có mặt tại huyện Lục Ngạn trong những ngày sôi động nhất của mùa thu hoạch. Khắp các ngả đường dẫn vào huyện Lục Ngạn đều tràn ngập sắc đỏ của vải thiều. Từng đoàn xe máy nối đuôi nhau thồ hàng tạ vải đến tập kết tại các điểm thu mua. Tuyến đường quốc lộ chạy qua trung tâm huyện dường như cũng quá tải bởi sức nóng của mùa thu hoạch vải thiều tại vựa vải lớn nhất cả nước.
Người dân Lục Ngạn cho biết, nhìn chung toàn huyện năm nay được mùa vải. Hầu hết vườn vải của người dân đều mang lại một mùa quả ngọt xứng đáng với công sức chăm bón, vun trồng của bà con. Gia đình anh Hoàng Văn Quyền (xã Phì Điền, Lục Ngạn, Bắc Giang) năm nay vườn vải cho thu hoạch khoảng gần 7 tấn. Khu vực xã Phì Điền vải cho quả đẹp, chín mọng, nên bán được mức giá từ 17.000 đến 20.000 đồng/kg. "Năm nay nhìn chung vải được mùa. Đầu năm thời tiết có hơi khắc nghiệt nhưng cũng không ảnh hưởng đến sản lượng vải năm nay của bà con nông dân. Gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng 3 tấn vải tươi, còn 1 nửa nữa sẽ thu hoạch nốt trong đợt này" - anh Quyền vui mừng chia sẻ.
Anh Tùng ở xã Phì Điền vui mừng với một mùa vải bội thu. |
Xe vải đầy ắp, chín mọng chở ra bán tại các điểm thu mua. |
... Và nỗi lo rớt giá, ép giá
Các ngả đường ở Lục Ngạn tràn ngập sắc đỏ của vải thiều. |
Theo phản ánh của người dân, năm nay được mùa vải nhưng giá lại không cao bằng những năm trước. Đầu mùa, giá vải còn bị ép chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Vải chín đến mùa, nên người dân vẫn phải căn răng bán với mức giá thấp như vậy. Sau đó, vải được nâng lên mức từ 8.000 đến trên 20.000 đồng/kg tùy theo khu vực cũng như chất lượng vải. Bà con nông dân chia sẻ, giá vải từ 10.000 đồng/kg trở lên thì người dân mới có thu nhập được. Trừ hết các chi phí mùa màng, mới có đồng lãi trang trải cho cuộc sống. Bởi người dân nơi đây, quanh năm cắm mặt vào các đồi vải, chỉ đợi đến mùa thu hoạch nên đây là nguồn thu chính của hầu hết các hộ gia đình.
"Vải được mùa nhưng giá không được như mong muốn nên chúng tôi rất lo lắng. Ngoài ra còn bị ép giá, bị thương lái tìm cách "ăn bớt" số cân khiến người nông dân điêu đứng, dù được mùa nhưng nỗi lo cũng chồng chất" - bác Hiệp (ở xã Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) bày tỏ lo lắng của mình.
Vải được mùa, bán được giá thì người nông dân mới có đồng lãi để trang trải cho cuộc sống, lo lắng cho con em họ được đến trường đầy đủ. |
May mắn hơn nông dân ở nhiều xã khác, gia đình anh Quyền ở xã Phì Điền từ lâu nay vẫn được tiếng là vải vừa ngon vừa "đẹp mã" nên bán khá được giá. Năm nay vườn vải nhà anh Quyền bán với mức 17.000 đến 20.000 đồng/kg. Theo anh Quyền, đây được xem là vải loại hai ở Lục Ngạn, Bắc Giang, vải loại 1 sẽ có giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên anh Quyền cũng cho biết, để chăm sóc được một vườn vải đẹp, bán với giá gần 20.000 đồng/kg như của gia đình anh, ngoài thuận lợi từ đặc điểm đất đai, cũng phải đầu tư rất nhiều công chăm sóc. Sau mỗi vụ thu hoạch, phải tỉ mỉ cắt cây tỉa cành, bón phân chu đáo, đủ hàm lượng cho từng gốc vải. Từng giai đoạn phát triển ra hoa kết trái của cây, cần chú ý các loại sâu bọ, dịch bệnh để kịp thời xử lý.
"Để thu hoạch được một vựa vải, người nông dân như chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức. Tính về công người làm, thì cả gia đình 5 đến 6 người dồn hết vào đồi vải. Nên đến ngày thu hoạch, chỉ mong sao bán được giá, có đồng lãi còn có vốn để mùa sau tiếp tục đầu tư vào vườn và lo lắng cho các cháu học hành đến nơi đến chốn" - anh Quyền tâm sự.
Công sức mà người dân bỏ ra cho một vụ vải thiều là rất lớn. Ngoài ra, đầu tư về kinh tế cũng là một con số không nhỏ nên nông dân mong được mùa mà được cả giá. |
Cùng xã Phì Điền với anh Quyền, vải của gia đình anh Tùng lâu nay cũng chất lượng nổi tiếng trong vùng. Đồi vải với hơn 100 gốc là nguồn thu chính của gia đình anh Tùng nhiều năm nay. Có mặt tại đồi vải từ sáng sớm, gần chục người trong nhà anh Tùng đang tất bật bẻ vải, buộc và vận chuyển ra các điểm thu mua. "Lo lắng lớn nhất của người dân vẫn là giá cả bán vải khi đến mùa thu hoạch. Nông dân làm ra cây vải nhưng luôn phải phụ thuộc vào thương lái về vấn đề giá, việc bị ép giá, vải rớt giá là nỗi lo thường trực của mỗi người dân như chúng tôi. Như năm nay vải được mùa, nhưng lại càng lo vì giá vải không được cao như mọi năm, hơn nữa thương lái lại ép giá nên người nông dân không làm chủ được sản phầm của mình làm ra" - anh Tùng lo lắng về giá vải năm nay.
Những em nhỏ phụ giúp bố mẹ thu hoạch vải. Vải được mùa, được giá là cơ sở để các em có cuộc sống đầy đủ và học hành chu đáo hơn. |
Lợi dụng cảnh tắc đường, các chủ thu mua vải ép giá người dân. |
Nông dân Lục Ngạn mong mùa vải bội thu, được giá. |
Thời gian thu hoạch vải ngắn, nên nhiều gia đình phải đầu tư để thuê thêm nhân công thu hoạch. Với những gia đình có trên 100 gốc vải, phải thuê từ 4 đến 5 nhân công phụ thêm việc thu hoạch mới kịp. Chi phí cho một nhân công vào khoảng 150.000 đồng/ngày.
Đủ thứ chi phí phải đầu tư vào vụ vải, nên bà con nông dân luôn mong được mùa nhưng phải được cả giá để có thêm đồng lãi.
Với diện tích gần 20 nghìn ha, Lục Ngạn không chỉ là "vương quốc vải thiều" lớn nhất cả nước mà cây vải Lục Ngạn còn là cây "xóa đói, giảm nghèo", đem lại cho người dân nơi đây một cuộc sống no ấm. Tuy nhiên, mỗi mùa thu hoạch đến, những vấn đề về giá vải luôn là nỗi lo canh cánh của người dân.