Dù văn bản này có được thu hồi ngay sau khi ban hành thì nó vẫn cho thấy ngành giáo dục Châu Đốc đã rất tùy tiện khi cho ra đời một văn bản hành chính", luật gia Nguyễn Thị Hằng nhận định.
Sự việc một giáo viên ở An Giang bị xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng do có hành vi lên Facebook “chê” Chủ tịch tỉnh chưa hết nóng, thì mới đây dư luận lại được một phen “ngỡ ngàng” khi ngành giáo dục Châu Đốc có văn bản cấm “like” một số vấn đề trên mạng xã hội.
Sau khi văn bản này được ban hành, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự khó hiểu với quy định nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, vv... làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác của văn bản mà Phòng giáo dục - đào tạo TP Châu Đốc gửi đến các trường trực thuộc.
Văn bản của Phòng giáo dục Châu Đốc (ảnh TTO). |
Được biết, UBND TP Châu Đốc (An Giang) sau khi xem xét, đánh giá về văn bản “khó hiểu” trên đã có ý kiến chỉ đạo thu hồi văn bản.
Nhận định trước sự việc phòng giáo dục Châu Đốc ban hành văn bản cấm “like” trên Facebook, luật gia Nguyễn Thị Hằng cho rằng: Dù văn bản này có được thu hồi ngay sau khi ban hành thì nó vẫn cho thấy ngành giáo dục Châu Đốc đã rất tùy tiện khi cho ra đời một văn bản.
Dường như, họ đã làm dụng trong cách quản lý hành chính. Văn bản có nội dung cấm like trên Facebook là một văn bản trái luật, thậm chí là xâm phạm đến các quyền công dân đã được hiến định”.
Trước đó, trả lời PV về việc một giáo viên ở An Giang bị kỷ luật và xử phạt hành chính vì có hành động lên Facebook cá nhân “chê” khuôn mặt Chủ tịch tỉnh này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận xét: "Rõ ràng là việc xử phạt vừa qua ở An Giang đã tạo ra một tiền lệ. Đó là một phần của quyền tự do ngôn luận của con người. Cách xử phạt này như đánh đòn mạnh vào quyết tâm xây dựng một xã hội dân chủ. Nếu cứ “bịt miệng” không cho người ta phát biểu thì sẽ khó thể có góc nhìn đa chiều về một vấn đề, một sự việc"
Cũng theo luật sư Hồng Thái: "Dường như đã có sự áp dụng văn bản pháp luật một cách tùy tiện. Rõ ràng cách giải quyết có vấn đề nên mới khiến dư luận gợn sóng".
Trước đó, UBND tỉnh An Giang Công văn đề nghị thông tin kết quả xử lý, chấn chỉnh 3 cán bộ, đảng viên lợi dụng việc sử dụng facebook để xúc phạm lãnh đạo tỉnh.
Cụ thể, bà Lê Thị Thùy T., giáo viên Trường THPT Long Xuyên, TP. Long Xuyên (An Giang) và ông Huỳnh Nguyễn Huy P., nhân viên Điện lực An Giang bị phạt mỗi người 5 triệu đồng. Riêng bà Phan Thị Kim N., Phó Văn phòng Sở Công thương An Giang do không trực tiếp vi phạm nên chỉ bị nhắc nhở. Ngoài bị xử phạt hành chính, 3 cán bộ trên còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
Được biết, vào khoảng tháng 10/2015, bà T. xem báo thấy nội dung “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang” nên đăng tải trên trang cá nhân facebook và bình luận, chê… gương mặt ông chủ tịch tỉnh này. Tiếp đó, ông P. và bà N. (sử dụng tài khoản facebook của chồng mình - PV) cũng vào bình luận.