Vẽ mộng để không còn là sinh viên nghèo
Nhung hiện đang là sinh viên năm 3 của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Sinh ra trong một ra đình nghèo ở Nghệ An, bố mẹ làm ruộng nuôi Nhung và em trai đi học ở Hà Nội.
Nhung chia sẻ: “Gần tết năm 2013, em đi bán quần áo thời vụ thuê cho 1 chủ nhà ở chợ Xanh. 11h đêm sau giờ tan làm em về phòng, một mình với bát cơm nguội và cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội, em càng thấy thấm thía và khát khao kiếm thật nhiều tiền”.
Nhưng khi kể về những công việc làm thêm của mình, điều khiến em nghẹn ngào nhất đó là câu chuyện em bị lừa tham gia mô hình “kinh doanh theo mạng”- bán hàng đa cấp của công ty Liên kết Việt.
Nhung kể: “Trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại trường, em quen anh Tuấn là sinh viên năm thứ 4 cùng quê với mình. Cũng từ đấy, anh luôn nhắn tin và giúp đỡ em nhiều trong cuộc sống. Một lần, vào mùa hè năm thứ nhất em được anh rủ đi đến một buổi nói chuyện về “cách làm giàu” mà anh nói đó là công ty đang làm.”
“Tới dự buổi đó, có cả nghìn người, người ta chia sẻ với nhau từ những cái nhỏ nhất để trở thành một người thành đạt, nào là cách giữ sức khỏe vì sức khỏe là vàng là tiền đề cho mọi thành công, rồi là cách sống có hiếu với cha mẹ… cho tới những câu chuyện của những người 9x thành đạt nhờ mô hình kinh doanh theo mạng”, Nhung chia sẻ.
Nhung liên tục được mời đến dự các buổi học về dạy cách làm giàu. Ảnh minh họa
“Sau lần đó, em càng thêm ngưỡng mộ và quý mến Tuấn. Dường như biết em đã “chết”, Tuấn liền mời chào và rủ em tham gia làm cùng gã. Em như người say nắng, liền gật đầu và nhận lời tham gia”-Nhung nghẹn ngào nói.
Dạy cách để “xoay tiền”
“Liên tục, Tuấn vẽ cho em một tương lai và lợi nhuận khổng lồ khi tham gia mô hình kinh doanh này, cụ thể khi tham gia với 8,6 triệu đồng em sẽ trở thành một nhà phân phối, em sẽ được cấp 1 mã số để kinh doanh, và em được quyền mua một mã hàng gồm một máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng”.
“Cứ mời được càng nhiều người vào hệ thống của mình thì em sẽ được càng nhiều tiền "hoa hồng", số tiền "hoa hồng" được tính cho một cá nhân tham gia là 8%, càng nhiều người tham gia tỉ lệ hoa hồng càng cao. Tuấn khẳng định với em rằng 8,6 triệu đồng đầu tư, em có thể được hưởng 449 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng…”, Nhung kể về cách mình bị dụ vào mô hình này.
“Muốn thành công thì trước tiên phải biết “xoay tiền”, Nhung nói về cách mà Tuấn khích tướng mình để có tiền tham gia vào mô hình đa cấp.
“Gã nói với em, để tham gia mô hình kinh doanh này, em phải có số tiền tối thiếu là 8,6 triệu đồng. Có thể với nhiều người đó là số tiền không lớn, nhưng đối với em đó là số tiền ngoài khả năng của bản thân, biết rằng đó là số tiền lớn. Biết em không có tiền, Tuấn liên tục chỉ cho em những cách có thể có được khoản tiền đó”.
“Tuấn liên tục mời em tới quán cafe, tới buổi đại hội thù lao của công ty. Hắn luôn coi em là một thành viên của công ty, từ những buổi ấy, những chiêu trò như vay bạn bè mỗi người 1 ít, nói là cần đi học thêm để mượn cha mẹ, cắm giấy tờ (thẻ sinh viên, chứng minh thư)… được Tuấn vẽ ra trước cái đầu dường như đã mê dại của em”, Nhung bùi ngùi kể về những kỷ niệm em không thể nào quên.
Liên kết Việt mạo danh Bộ Quốc phòng để lừa đảo. Ảnh Tuổi trẻ.
“Em chẳng hề nghi ngờ, như một con ma dại đã bị bỏ thuốc mê, em gọi điện về nhà nói rằng cần đi học một khóa tiếng Anh mất 5 triệu. Cha mẹ ở nhà dù khó khăn nhưng với suy nghĩ tất cả vì tương lai của con cái. Bố em đã quyết định bán đi con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình mình để gửi tiền cho em”.
“Nhận tiền gửi từ gia đình trong nước mắt, những với suy nghĩ mình sẽ kiếm được nhiều tiền để bù đắp lại, nên em cũng nhanh chóng gạt đi và mang tiền tới công ty. Em tiếp tục vay thêm bạn bè, người ít thì 2 trăm nghìn, người nhiều thì 5 trăm nghìn đồng, cuối cùng em cũng đã vay kiếm đủ số tiền 8,6 triệu đồng để bắt đầu khởi nghiệp…”, Nhung chia sẻ về cách mà mình kiếm tiền để tham gia mô hình đa cấp của Liên kết Việt.
Và như thế, tháng 10 năm 2014, Nhung bắt đầu tham gia mô hình đa cấp của Liên kết Việt, với tham vọng làm giàu…
Còn tiếp...
Công Luân