Ngày 10/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và những thay đổi trong tuyển sinh năm học 2019-2020.
Trước băn khoăn của dư luận về việc thay đổi cách thi vào lớp 10, ông Chử Xuân Dũng, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết cách thi tuyển vào lớp 10 cũ ổn định trong nhiều năm, tuy nhiên vẫn cần thay đổi.
Nguyên nhân có bài thi tổ hợp
Theo phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, thí sinh sẽ phải thi 3 bài là Toán, Ngữ văn và tổ hợp (Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân hoặc Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học).
Theo ông Phạm Quốc Toản, phó trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, có 3 nguyên nhân khiến sở quyết định bỏ cách thi cũ.
Thứ nhất, việc thi tuyển 2 môn Toán, Ngữ văn tạo nên hiện tượng học lệch các môn, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS. Bên cạnh đó, khâu xét tuyển dựa vào kết quả học tập 4 năm THCS không khách quan, phụ thuộc chủ quan vào từng giáo viên. Việc đánh giá giữa các nhà trường là khác nhau.
Quyết định thay đổi này còn dựa trên ý kiến đề xuất của lãnh đạo các trường THPT, THCS, và các trưởng phòng giáo dục quận, huyện.
Nói về mục đích của bài thi tổ hợp, ông Toản cho biết bài thi này sẽ tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới. Đồng thời, nội dung thi sẽ tiếp cận dần chương trình sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp ở các lớp, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp, cấp học trên.
"Điều quan trọng không kém của bài thi tổ hợp là nó khiến học sinh phải bổ sung và nâng cao năng lực ngoại ngữ", ông Toản chia sẻ.
Chưa đổi mới cách dạy đã đổi mới thi?
Tại sao lại có cách nhóm tổ hợp Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, Giáo dục công dân hoặc Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học? Liệu cách thi mới có xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm? Chưa đổi mới cách dạy đã đổi mới cách thi liệu có ổn? Sở có biết Hưng Yên từng áp dụng cách thi này với tỷ lệ học sinh điểm dưới trung bình lên đến 70%... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết sở nhóm tổ hợp môn bằng cách đan xen các môn khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Việc chọn tổ hợp thi cho từng năm bằng cách bốc thăm. Sở không nhóm riêng rẽ 2 tổ hợp tự nhiên hoặc xã hội, tránh tình trạng công bố thi tổ hợp tự nhiên lại thiệt thòi cho thí sinh học chuyên xã hội và ngược lại.
Nhiều băn khoăn được đưa ra khi sở công bố cách thi mới. Ảnh: Ngọc Tân |
Chia sẻ về nội dung đề thi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Đại cho biết tháng 9 này sở sẽ công bố đề thi minh họa. Phạm vi kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề thi sẽ có những câu tích hợp liên môn. Kiến thức nằm trong sách giáo khoa, hạn chế những câu hỏi khó, đánh đố thí sinh. Khác với các năm trước, năm nay sở sẽ công bố đáp án từng môn sau khi kết thúc kỳ thi.
Trước băn khoăn cho rằng điểm thi của học sinh sẽ thấp (như trường hợp của tỉnh Hưng Yên từng áp dụng cách thi này với tỷ lệ học sinh điểm dưới trung bình lên đến 70%), ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh bài thi tuyển vào lớp 10, bên cạnh mục đích xét tuyển, còn hướng tới đánh giá trung thực kết quả học tập của học sinh.
Với ý kiến "Chưa đổi mới cách dạy đã đổi mới cách thi?", TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho rằng Sở GD&ĐT Hà Nội đang dùng hình thức thi mới để buộc học sinh học toàn diện, rèn khả năng tư duy và trình độ ngoại ngữ cho các em.
"Chúng ta vẫn quan niệm đổi mới cách dạy rồi mới đến cách thi, nhưng tôi cho rằng việc đổi mới cách thi sẽ thúc đẩy việc đổi mới cách dạy và học. Không có chỉ thị, hô hào nào hiệu quả nhanh chóng bằng khi cách thi thay đổi", TS Lâm chia sẻ.
Cách thi mới sẽ chữa được "căn bệnh đổ lỗi"
Ông Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cho rằng cách thi mới sẽ chữa được căn bệnh "đổ lỗi" giữa các bậc học. Trước đây, học sinh cấp ba yếu kém thì trường đổ lỗi cho việc đào tạo từ cấp hai. Tương tự, cấp hai lại đổ lỗi cho cấp một. Với hình thức thi mới này, hiệu quả đào tạo của từng cấp học sẽ hiện rõ ngay qua điểm số của học sinh.
"Khi chúng tôi tiếp nhận học sinh, điểm thi đầu vào rất cao, nhưng khi làm những bài kiểm tra của môn không thi, kết quả lại rất thấp, có những kiến thức rất cơ bản học sinh cũng không nắm được. Điều này tạo nhiều vất vả cho các giáo viên phổ thông", ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (Hà Nội) - cho rằng cách thi mới sẽ chữa được căn bệnh "đổ lỗi" giữa các bậc học. Ảnh: Ngọc Tân |
Bà Lê Kim Anh - hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội - cho rằng học sinh sẽ không còn quan niệm môn chính và môn phụ, phải tập trung học các môn. Đồng thời, học sinh cũng không thể né tránh được việc phải học tốt môn ngoại ngữ (xuất hiện ở cả 2 tổ hợp thi).
Là người ủng hộ cách thi mới, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng hy vọng sẽ khiến học sinh phải học đều, không thể trông chờ vào học thêm.
"Trước đây, học sinh coi thường những môn không thi, buộc các thầy cô phải dạy đối phó. Cách thi cũ khiến cách học phiến diện, chăm chăm vào thi môn gì học môn ấy. Học để thi chứ không phải để phát triển bản thân", TS Nguyễn Tùng Lâm nói.