Ngày 23/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức phục dựng lễ cưới của đồng bào K'Ho. Đây là hoạt động chính trong Chương trình kết nối - kích cầu phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và các địa phương trên cả nước.
Chương trình có sự tham gia của cộng đồng người K’Ho ở huyện Lạc Dương; đội cồng chiêng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch của các tỉnh, thành như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Lâm Đồng.Phục dựng lễ cưới của dân tộc K’Ho (Lễ Tơm Bau) nhằm tái hiện sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người là đám hỏi (dạm ngõ) và đám cưới.
Chương trình cũng nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lâm Đồng. Nội dung chương trình đã được khảo sát, nghiên cứu, tham khảo tư liệu, đối chứng, thống nhất của các bậc cao niên và những người có uy tín am hiểu phong tục tập quán, văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Lạt, vùng phụ cận.
Quá trình tổ chức được ghi âm, ghi hình để lưu giữ phục vụ công tác bảo tồn văn hóa bản sắc truyền thống của địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương đã và đang đầu tư phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó có lễ cưới của đồng bào K’Ho theo chế độ mẫu hệ.
K’Ho là một trong những dân tộc bản địa trên vùng đất Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, người K’Ho có các nhánh gồm Cil, Lạch, Srae. Hiện nay, người K’Ho vẫn giữ được nhiều phong tục cổ, trong đó phải kể đến các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian.Với người K’Ho, đám cưới là sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người, do đó việc xem xét, lựa chọn ý trung nhân rất kỹ càng.
Đối với người K’Ho, lễ dạm hỏi và lễ cưới, họ thường không xem ngày lành tháng tốt mà ấn định vào khoảng thời gian nhất định để không ảnh hưởng đến lao động, sản xuất. Tất cả những nghi thức đó đều được tiến hành vào ban đêm. Tại buổi phục dựng, người K’Ho đã tái hiện nghi lễ ném ruột gà. Đây có thể coi là việc quan trọng nhất trong đám cưới để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình.