Nền bóng đá là cái cây, thì V.League là gốc, đội tuyển quốc gia là ngọn. Kỳ tích Thường Châu, chức vô địch AFF Cup 2018 hay chiến công Asian Cup đều là thành tựu đến từ sự phát triển dài hạn của V.League và công tác đào tạo trẻ.
Đó là lý do khiến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khẳng định họ sẽ không hủy giải trừ trường hợp bất khả kháng.
Vì sao không nên hủy V.League?
Ngày 30/7, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) xác nhận hoãn AFF Cup 2020 sang năm 2021. Nếu giải đấu cấp Đông Nam Á vào tháng 11 còn không thể tổ chức, thật khó tin vòng loại World Cup ở cấp châu Á từ tháng 10 có thể diễn ra. Điều đó nghĩa là các đội tuyển Việt Nam đối diện nguy cơ không có trận chính thức nào từ nay tới cuối năm.
Bối cảnh đó khiến V.League trở thành chiếc phao cứu vớt nền bóng đá khỏi cảnh đóng băng.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một CLB V.League cho biết họ không thể chịu được cảnh các cầu thủ ngồi chơi suốt 5 tháng cuối năm. Ông này khẳng định dù V.League có đá hay không, cầu thủ vẫn phải tập luyện, đội bóng cần duy trì.
Tuy nhiên, việc tập chay suốt từ nay tới cuối năm là quá khó để cầu thủ duy trì phong độ. Ông cũng lo các cầu thủ trẻ sẽ không còn động lực tập luyện khi cơ hội lên đội một và các giải trẻ đều không còn. CLB cũng sẽ khó tuyển sinh đầu vào vì phụ huynh lo lắng việc dịch bệnh.
Với ban tổ chức giải, việc bỏ V.League là đánh sập uy tín nhà tổ chức và giải đấu, vốn bị ảnh hưởng nhiều sau những bê bối gần đây liên quan tới trọng tài. Sau V.League 2017, giải đấu đã đổi tài trợ trong 3 năm liên tiếp. Nhà tài trợ chính hiện là đối tác của Chủ tịch VPF Trần Anh Tú.
Nếu chúng ta phá vỡ hợp đồng, V.League sẽ mất uy tín. Ai sẽ tài trợ cho chúng ta nữa. Sang năm, họ sẽ bảo các anh có giữ uy tín đâu mà hỏi chúng tôi tài trợ.
Việc không nhà tài trợ nào chịu gắn bó với V.League quá một năm, việc ông Tú buộc phải vời tới đơn vị “người quen” hỗ trợ là bằng chứng cho thấy sức hút hạn chế của V.League. Bối cảnh đó buộc VPF phải cố gắng duy trì giải bởi nếu không giữ được uy tín, V.League khó lòng kiếm nổi nhà tài trợ cho mùa sau.
Từ khi giải vô địch quốc gia đầu tiên ra đời hồi năm 1980, bóng đá Việt Nam chưa từng chứng kiến việc hủy giải. Ngay ở mùa 1999 vốn bị hủy hoại vì những bê bối tiêu cực, VFF vẫn cố gắng tổ chức giải đấu tập huấn chứ không hủy bỏ hoàn toàn mùa bóng. Việc hủy giải vì thế chưa có tiền lệ trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Có V.League và hệ thống giải chuyên nghiệp, các CLB mới có lý do tồn tại. Các CLB, đào tạo trẻ mới phát triển. Những điều này luôn là gốc rễ của bóng đá Việt Nam.
Ba năm qua, hai đội tuyển U23 và quốc gia Thái Lan chưa từng thắng được Việt Nam trên mọi đấu trường. Trong mắt bè bạn quốc tế, bóng đá Thái Lan vẫn đứng cao hơn Việt Nam một bậc.
Bản quyền Thai League là “hàng thật, giá thật”, trong khi VPF vẫn phải đổi sóng truyền hình lấy quảng cáo. Cầu thủ Thái Lan ra thế giới bằng thực lực, còn cầu thủ Việt vẫn long đong con đường xuất ngoại. Những sự khác biệt ấy đều tới từ đẳng cấp chênh lệch giữa Thai League và V.League.
Tình hình dịch bệnh đang đặt V.League trước thách thức chưa từng có. VFF và VPF có lý do khi khẳng định quan điểm không hủy V.League trừ tình huống bất khả kháng.
Không có V.League, các CLB sẽ làm gì, sẽ tồn tại thế nào trong 5 tháng cuối năm? - Ảnh: Minh Chiến. |
Nếu vẫn tổ chức, V.League sẽ đá như thế nào?
Với những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam, câu hỏi không phải là có hay không tổ chức V.League. Trong bối cảnh dịch bệnh, giải đấu tổ chức khi nào và như thế nào mới là vấn đề đáng bàn tới.
Sau 11 vòng, lượt đi V.League vẫn còn 2 trận. Tính thêm 7 vòng lượt về và 3 vòng tứ kết, bán kết, chung kết cúp quốc gia, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cần thêm 12 vòng đấu. Trước đợt hoãn thứ hai, V.League đang vận hành theo nguyên tắc 5 ngày một vòng. Như vậy, những nhà tổ chức cần khoảng 60 ngày (2 tháng) để hoàn tất mọi thứ đúng kế hoạch.
Đây từng là bài toán khó của VFF và VPF khi phải cân đối với lịch tập trung tuyển Việt Nam. Khi AFF Cup đã hoãn, còn vòng loại World Cup chưa xác định được số phận, cơ hội cho V.League đã hiển hiện rõ ràng.
Từ nay tới cuối năm vẫn còn 5 tháng. Đợt hoãn giải trước từng khiến V.League ngưng 2 tháng. Những con số đó cho thấy V.League có thể kết thúc đúng kế hoạch, không cần thay đổi thêm về lịch thi đấu hay hình thức tổ chức.
Trước đấy vài ngày, đề xuất kéo cúp quốc gia xuống tổ chức trong 9 ngày ở các địa điểm chưa có dịch cũng cho thấy VPF, VFF đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng ứng biến với tình hình. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, V.League có thể xem xét phương án thi đấu tập trung tại một địa điểm cố định, tương tự như Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) đang áp dụng cho Champions League.
Thai League tận dụng đợt nghỉ vì Covid-19 để chuyển khung thời gian tổ chức sang lịch châu Âu. - Ảnh: Bangkok Post. |
Đương nhiên, thời gian và dịch bệnh không phải những vấn đề duy nhất của bài toán V.League. Khác với lần hoãn đầu tiên, lần hoãn thứ hai ghi nhận khó khăn hơn hẳn tới từ phía các CLB. Sức khỏe tài chính của họ đã suy giảm sau những đợt nghỉ kéo dài, khát khao thi đấu của họ cũng bị ảnh hưởng bởi những toan tính đến từ thứ bậc trên bảng xếp hạng (bằng chứng là các đề xuất hủy giải đều tới từ nhóm cuối bảng).
Nếu V.League 2020 không thể tiếp tục, VFF và VPF cũng nên có tính toán trước. Thách thức này cũng có thể là cơ hội cho hai tổ chức nhìn lại mình, rút ra những thiếu sót, cho họ thời gian để thay đổi, nhằm hướng tới một sự trở lại mạnh mẽ hơn trong năm kế tiếp. Đó là điều người Thái đã làm vài tháng trước. Tận dụng việc giải đấu bị hoãn lại, họ chủ động thay đổi khung thời gian tổ chức, đưa Thai League vận hành cùng thời điểm với các giải vô địch quốc gia châu Âu.
Bóng đá Việt Nam cũng nên có những hành động tương tự, tận dụng thời gian trống để mở thêm những lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho trọng tài, đội ngũ tổ chức giải, hoàn thiện cơ sở vật chất, học hỏi thêm về Công nghệ Trợ lý trọng tài video (VAR).