Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh ung thư khi số lượng ca mắc mới, số ca tử vong ngày càng tăng.
Hàng năm có khoảng 120.000 người Việt Nam tử vong do ung thư, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao của khu vực và thế giới.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2024 do Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 10/5.
Tại hội nghị, Tiến sỹ-bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 180.400 ca mắc ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Con số thống kê này cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng ung thư.
Là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam chuyên về điều trị ung thư, mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh. Chỉ riêng năm 2023, Bệnh viện Ung bướu Thành phố tiếp nhận gần 800.000 lượt khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch. Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân đang mỗi ngày một gia tăng.
Lý giải về tỷ lệ tử vong do ung thư cao, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn cho rằng nguyên nhân là do người bệnh phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn. Thống kê của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 50-80% bệnh nhân đến khám khi đã ung thư ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4, khiến cho kết quả điều trị không như mong đợi.
Do đó, bác sỹ Tuấn khuyến cáo người dân nên thực hiện các chương trình tầm soát ung thư để phát hiện bệnh khi mới ở giai đoạn sớm. “Các chương trình tầm soát ung thư hiệu quả sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, kéo giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí cho người bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp trong chiến lược phòng, chống ung thư của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới,” Tiến sỹ-bác sỹ Diệp Bảo Tuấn phân tích.
Đến từ Trung tâm ung thư Quốc gia Singapore, Giáo sư Michael Wang đã trình bày báo cáo về sự cần thiết của một trung tâm trị liệu proton quốc gia. Theo ông Michael Wang, liệu pháp proton là liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến có khả năng giảm thiểu những tác dụng phụ thường thấy trong xạ trị truyền thống. Các nước và khu vực phát triển như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã xây dựng nhiều trung tâm trị liệu proton.
Phó Giáo sư Michael Wang đánh giá, hệ thống thiết bị máy móc cũng như trình độ của đội ngũ nhân lực điều trị ung thư của Việt Nam đã ngang tầm với các nước hàng đầu trong khu vực và thế giới. Vì vậy, Việt Nam đủ khả năng để phát triển, ứng dụng các công nghệ hiện đại như xạ trị proton để mang lại hiệu quả cao hơn trong điều trị ung thư. “Việc đầu tư hệ thống xạ trị proton không chỉ khắc phục được những điểm yếu của xạ trị truyền thống mà còn giảm thiểu người bệnh trong nước ra nước ngoài điều trị, có thể thu hút bệnh nhân từ các nước trong khu vực đến Việt Nam điều trị,” Phó Giáo sư Michael Wang nhìn nhận.
Hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 thu hút hàng nghìn chuyên gia đầu ngành và nhân viên y tế trong lĩnh vực ung thư trong nước và quốc tế.
Các báo cáo trình bày tại hội nghị là những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư như xạ trị proton, liệu pháp miễn dịch, sinh học phân tử và điều trị nhắm trúng đích, phẫu thuật robot trong ung thư, phẫu thuật tạo hình, kỹ thuật sinh thiết điều trị u vú bằng hút chân không VABB…..