Hôm nay (1/10 theo giờ Việt Nam), tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã trao Văn kiện gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) cho Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry. Thỏa ước sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam sau 03 tháng tính từ ngày nộp Văn kiện.
Với việc tham gia Văn kiện Geneva 1999, Việt Nam sẽ chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu ảnh hưởng từ các Văn kiện còn lại. Ngoài ra, Việt Nam có quyền tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Liên minh La-hay quy định chung cho các văn kiện của Thỏa ước.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, Hệ thống Lahay được thiết lập nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp qua Văn phòng quốc tế của WIPO bằng một loại tiền thống nhất (đồng franc Thụy Sỹ), giúp cho người nộp đơn dễ dàng thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký bảo hộ, gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu và các thủ tục khác liên quan đến đơn KDCN.
Người nộp đơn không cần phải nộp các đơn riêng lẻ tại từng nước mà mình muốn đăng ký bảo hộ, qua đó không những tránh được các thủ tục phức tạp, mà còn tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí.
“Gia nhập Thỏa ước Lahay sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng đăng ký và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN) ở gần 70 nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng đăng ký và bảo hộ KDCN ở Việt Nam”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), lượng đơn đăng ký KDCN của các tổ chức, cá nhân nước ngoàigiai đoạn gần đây tăng trên từ 15% mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại các khó khăn về mặt thủ tục và chi phí khiến cho lượng đơn đăng ký bảo hộ KDCN của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.
Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ, nghĩa là phải làm nhiều đơn khác nhau bằng ngôn ngữ và yêu cầu của các nước sở tại, và phải chịu nhiều khoản chi phí, đặc biệt là phí thuê luật sư.
Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ KDCN của mình tại Việt Nam.
Trong khi chờ sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, Việt Nam tuyên bố sẽ áp dụng trực tiếp các quy định của Thỏa ước cho các đơn đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam cũng như các đơn có nguồn gốc Việt Nam. Quy trình xử lý đơn KDCN ở giai đoạn quốc gia sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, như các đơn đăng ký KDCN nộp theo thể thức quốc gia.