Hội nghị với các đối tác, nhà tài trợ đối phó tình hình hạn, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội.
Trong Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi, đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn.
Cánh đồng lúa bị cháy vàng, chân ruộng nứt toác tại Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi tài trợ vốn các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.
Tờ The Saigon Times dẫn lời Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Chúng ta ở Hà Nội chỉ trả 5.000 đồng/m3 nước nhưng ở Bến Tre họ phải mua tới 60.000 đến 80.000 đồng/m3 nước, thậm chí 100.000 đồng/m3 nước. Nhiều nhà máy, trường học, bệnh viện, khách sạn không có nước ngọt phải mua nước, thậm chí phải dùng nước có độ mặn loãng hơn”. Bộ trưởng Phát nói và ví von: “Chúng ta không nhất thiết phải ra Vũng Tàu tắm biển nữa mà có thể cảm thấy độ mặn ngay ở Bến Tre, nơi cách biển 70 km”.
Người dân tại Ninh Thuận nhận nước từ đoàn hỗ trợ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Năm 2015, tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000ha cây trồng bị hạn hán và hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Để đối phó với tình trạng này, từ tháng 10/2015, Chính phủ Việt Nam chi khoảng 700 tỷ đồng để các tỉnh xây dựng trạm bơm bơm nước ngọt, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau, thay thế vùng lúa đã chết. Ngoài ra, các hộ dân thiếu lương thực được cấp 15kg gạo/người/tháng.
“Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được nhưng tình hình rất nghiêm trọng, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, The Saigon Times dẫn lời Bộ trưởng Phát cho biết.
Về phía các tổ chức quốc tế, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định các tổ chức quốc tế sẽ nhóm họp để tìm giải pháp hỗ trợ trước mắt, cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, sẽ tìm giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
>>Xem thêm: Nước mặn xâm nhập 13/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
Xuân Bách (tổng hợp)