Việt Nam là quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời gian qua đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng

Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới.

Chia sẻ về vấn đề này tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong thời gian qua đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thừa nhận, hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế trong nước chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư. Trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn, không những không kết nối được với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mà còn có hiện tượng chèn lấn khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Cũng theo ông Lộc, số liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 2 phần trong 10 phần của FDI. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Lý do quan trọng là khả năng hấp thu công nghệ, trình độ quản trị của Việt Nam thấp.

Theo số liệu của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu, Việt Nam đứng trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất.

“Hằng năm ASEAN có đưa ra khảo sát năng lực quản trị của doanh nghiệp niêm yết trong thị trường chứng khoán, Việt Nam đứng thứ 6 trong số 6 nước được khảo sát. Trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là khâu rất yếu. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, không chỉ có vấn đề cải cách thể chế của nhà nước mà doanh nghiệp phải tự nâng cấp mình”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Không nên khuyến khích dòng vốn nhỏ lẻ

Liên quan đến tình trạng núp bóng, đầu tư chui dòng vốn ít và nhỏ lẻ được đưa vào Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam không nên khuyến khích các dòng vốn này, trên thực tế dòng vốn quá nhỏ.

Theo Chủ tịch VCCI, đầu tư nước ngoài đang dựa rất nhiều vào chí phí thấp, vị thế địa kinh tế, địa chính trị của đất nước, vào quy mô thị trường và kết nối với các FDI, dựa vào tài nguyên, chi phí… “Chúng ta đang nói đến nền kinh tế số, các nhà đầu tư FDI thế hệ mới, tuy nhiên, theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái, chúng ta vẫn thuộc nhóm các nền kinh tế chưa chuẩn bị sẵn sàng cho kinh tế số. Từ đó, yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và yêu cầu hàng đầu”, ông Lộc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tổ chức Thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư nước ngoài. “Chỉ số môi trường kinh doanh đúng là còn nhiều cái cần phải thay đổi. Thế nhưng trong những năm qua, chúng ta tăng rất đáng kể. Năm 2018, tăng 13 bậc so với năm 2016. Chúng ta có thể hoàn toàn lạc quan vào những cái chúng ta đã dổi mới, cố gắng quyết liệt để thay đổi”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Theo ông Vũ Đại Thắng, cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam dần dần bắt kịp, hướng tới thay thế doanh nghiệp nước ngoài về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... chứ không phải quan điểm do sợ nước ngoài phát triển mạnh quá mà ta phải kéo xuống.

“Chúng ta vẫn phải thúc đẩy khu vực đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải ưu tiên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển cao hơn, đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu cho hay.

Còn về các vấn đề ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu cũng thừa nhận, qua việc đánh giá đầu tư nước ngoài qua 30 năm và đặc biệt là nghiên cứu ở Hải Phòng, đúng là cơ chế ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung vẫn còn hơi lạc hậu, vì tập trung theo chiều rộng quá, chứ không theo chiều sâu.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu cho rằng, trong thời gian tới cũng cần có những nghiên cứu để thay đổi cách tiếp cận này, theo hướng chỉ ưu đãi với phần giá trị gia tăng được làm trên đất nước Việt Nam, ưu đãi với phần có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, về khoa học công nghệ.. những cái thực sự tạo ra giá trị hiệu quả thì mới được ưu đãi. Còn việc nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu rồi gia công xuất khẩu đi thì cần phải xem xét xem có được ưu đãi hay không.

“Việc quan trọng nhất là phải cụ thể hóa các chỉ đạo, định hướng của Đảng vào các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các nội dung của Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030” đã tích hợp vào các dự án luật mới, sửa đổi, hiện đang soạn thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét trong kỳ họp sắp tới. Ví dụ, luật Đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật Chứng khoán….”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo VnMedia
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.