Vĩnh biệt "con cáo bạc" của Quân đội Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Lần đầu tôi được gặp chú Năm - tên thường gọi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - là vào một buổi sáng mùa hè tại căn nhà số 91 Lý Nam Đế. Dù được giới thiệu từ trước, nhưng tôi vẫn run khi bước vào phòng làm việc của ông.
Vĩnh biệt "con cáo bạc" của Quân đội Việt Nam

Ai mà ngờ người mình tìm đọc các bài phỏng vấn thời sinh viên giờ lại đang đợi mình sau cánh cửa đó. Vậy mà đã hơn một năm kể từ ngày ông nhận tôi làm thư ký cho các dự án viết lách. "Chú có một số việc muốn nhờ cháu giúp. Cháu có làm được không?" - câu hỏi hết sức nhã nhặn của chú Năm sáng hôm đó tôi khó quên nổi.

Nhận được tin từ đêm qua, tôi không ngủ nổi, bất giác lại muốn viết. Nhưng tôi biết viết gì về một người có quá nhiều góc cạnh mà mình còn chưa hiểu rõ? Những buổi phỏng vấn, những lần tháp tùng, những cuộc vui có lẽ sẽ khó giúp tôi có một hình dung trọn vẹn về ông. Nhưng như ông thường nói với tôi, kể về một nhân vật nào đó không phải là để tô hồng, hay tôn vinh, mà là để mọi người có thêm góc nhìn đa chiều. Còn như chú Năm, có lẽ những hiểu biết của tôi về ông chỉ như "phần nổi của tảng băng chìm".

Chất giọng khàn, xì gà Cohiba cắt làm đôi, ông rít liên tục trong phòng làm việc, có lẽ thói quen hút thuốc của ông bắt nguồn từ những đêm thức trắng lập kế hoạch thời còn hoạt động ở chiến trường Campuchia.

Biệt danh "cáo bạc Hà Nội" xuất phát từ Greg Torode, một ký giả người Anh, người mà chú Năm nói nửa đùa nửa thật "thằng chả là tình báo". Trong một bài viết, Torode nhận định: "Người ta nói Tướng Vịnh là con cáo bạc khôn ngoan. Với ánh mắt kiên định và vẻ mặt hơi buồn bã, các đường nét của ông ta không bộc lộ nhiều điều. Ông nói những câu chính xác, cẩn thận và sẽ trả lời một cách khéo léo một câu hỏi đặc biệt khó hiểu bằng sự im lặng và cái gật đầu nhẹ. Việc hút thuốc liên tục cho thấy sự căng thẳng đằng sau vẻ ngoài điềm tĩnh của ông ấy. Tướng Vịnh cũng được biết đến là người thư giãn bằng những cuộc trò chuyện dài bên ly rượu whisky".

Hay một phái viên nước ngoài nhận xét rằng ông là một nhà tư tưởng sâu sắc, sẵn sàng thách thức những hiểu biết thông thường bằng logic hơn là giáo điều. "Một cách khéo léo, ông ấy có thể trở nên vui vẻ, thông minh và hấp dẫn trong khi cho đi rất ít".

Giới báo chí và ngoại giao phương Tây đặc biệt rất khoái nói chuyện với chú Năm. Chả phải như vậy mà chỉ bằng vài câu nói ở Điện Capitol, ông đã khiến một vị trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thay đổi tư thế gác hai chân lên bàn mà ngồi nghiêm chỉnh tiếp chuyện ông, rồi sau đó là nhiều lần bắt tay niềm nở.

Một lần, tôi được tháp tùng chú Năm đón một vị khách Mỹ, vốn là nhà hoạch định chính sách của đảng Dân chủ. Ngay khi thấy chú Năm, vị khách này cười lớn rồi không ngại ngần cởi bỏ balo trước khi ôm lấy người bạn Việt Nam. Cả hai chuyện trò rất rôm rả, không hề có sự rào đón trước sau trong từng câu nói mà chỉ có những lời thật lòng: "Cả tôi và ông đều từng sống trong thời chiến, tôi mong các thế hệ sau của hai nước sẽ có một tương lai mới", vị khách người Mỹ nhắn nhủ.

Nhiều nhà báo khi phỏng vấn thường đặt câu hỏi liệu ông có chịu áp lực từ cái bóng của người cha. Nhưng có lẽ ngược lại, ông sống mỗi ngày là để kể lại và tiếp nối những di sản của cha mình và những người đồng chí thuộc thời đại anh hùng. "Người ta sao thì mình vậy", đó lời dặn của tướng Thanh viết cho các con từ chiến trường miền Nam mà chú Năm luôn giữ làm "hành trang ra đời" sau này.

Vậy thì tôi nên gọi ông là gì? Một vị tướng, một ông trùm tình báo, một chiến lược gia quan hệ quốc tế, hay đơn giản là một người kể chuyện lịch sử? Dù ở vị trí nào, thì ông luôn nỗ lực làm và tin những gì mình làm là đúng. Chính niềm tin ấy giúp những người cộng sự và làm việc cho ông tin vào các dự án ông vạch ra. Ở những tháng cuối cùng, ông vẫn giữ một cường độ làm việc dày đặc. Chỉ cách đây chưa tròn 2 tháng, ông vẫn cố sửa nốt 80 trang bản thảo, dù bút lực đã không còn như trước.

Một chiều cuối tháng 7, ông từ viện trở về sau một cơn tai biến và cho gọi mọi người tới Chèm họp một buổi. Đã lâu rồi không gặp mọi người, thần thái ông khác hẳn. Ông lại hăng say pha trò, lại hào hứng kể cho mọi người những câu chuyện trong quá khứ, dường như ông quên đi mọi bệnh tật trong phút chốc. Kết thúc buổi họp, ông mời mọi người một chén rượu, nhấp môi thôi cũng được. "Thôi thế hôm nay họp tới đây thôi nhỉ", ông vẫn nói câu đó ở cuối mỗi buổi làm việc.

"Vâng thưa chú, Hà Nội sáng nay mưa nặng hạt. Có lẽ để hôm khác làm việc tiếp ạ. Còn những di sản của chú, chắc chắn sẽ được người ở lại viết tiếp".

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.