Đó là ý kiến đầy bức xúc của PGS Văn Như Cương khi đề cập đến vụ thầy giáo Trường THCS Cát Tài (xã Cát Tài, Phù Cát, Bình Định) bắt học sinh nằm ngửa trên bục giảng đổ nước vào miệng, nằm sấp quật và tát... vừa xảy ra tại Bình Định.
Như tin tức trên nhiều báo đăng tải, trong buổi sinh hoạt ngày 31/10/2015, ông Nguyễn Minh Đề chủ nhiệm lớp 7A3 Trường THCS Cát Tài mở sổ đầu bài thì biết lớp bị sao đỏ trừ 2 điểm thi đua do lỗi em Lưu Thế Ph. gây ra vì một câu nói: “Tụi bay im đi sao đỏ đến kìa”.
Cho rằng Ph. làm không đúng để sao đỏ trừ điểm thi đua, ông Đề đã gọi Ph. lên yêu cầu nằm ngửa với hai phương án lựa chọn: một là mời phụ huynh lên dẫn về, hai là bị đổ nước vào miệng. Ph. đồng ý chịu hình phạt thứ hai.
Ngôi trường xảy ra vụ việc thầy giáo bắt học sinh nằm ngửa đổ nước vào miệng khiến phụ huynh bức xúc. Ảnh: Công an TP HCM
Lúc đầu ông Đề giao một em học sinh lên lấy nước chai nhỏ đổ vào miệng Ph., sau đó ông Đề bưng bình nước uống lớn mở vòi đổ vào miệng Ph.. Cho đến khi Ph. bị sặc giáo viên này mới ngừng tay.
Ngoài em Ph., ông Đề còn đánh, tát ba học sinh khác là Nguyễn Gia H., Nguyễn Thanh Ph. và Nguyễn Lê Gia B.. Trong đó em Nguyễn Gia H. bị ông Đề tát 9 cái vào mặt vì tội mở sổ đầu bài xem và đi ra ngoài khi trống đánh vào lớp. Em Nguyễn Thanh Ph. bị đánh bằng thước vì ngồi sai sơ đồ lớp và em Nguyễn Lê Gia B. bị gõ thước vào đầu vì hỏi tiền thầy trả lại còn thiếu 10.000 đồng. Sự việc được nhà trường biết khi các em học sinh và phụ huynh làm đơn tố giác về hành vi phi giáo dục của thầy Nguyễn Minh Đề.
Theo ghi nhận của báo chí, đây không phải trường hợp giáo viên áp dụng hình phạt kỳ cục đối với học sinh khiến phụ huynh bất bình. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm lớp 6C của trường THCS Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt 7 học sinh có hành vi nói tục, chửi bậy phải súc miệng bằng xà phòng trong một tiết sinh hoạt lớp ngày 3/10/2015.
Trao đổi với phóng viên, PGS Văn Như Cương bức xúc: "Dù học sinh sai thế nào, giáo viên cũng không thể sáng tác ra những hình phạt kỳ cục như thế. Phụ huynh đưa con cái đến trường để học điều hay lẽ phải, anh lại đi tra tấn chúng thế ai mà chịu được. Những trường hợp này phải thẳng tay xử lý".
Cũng theo ông Cương, hành động của ông Đề là phản giáo dục, vi phạm quyền con người cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những giáo viên khác.
Nói về nguyên nhân, PGS Văn Như Cương cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó áp lực công việc cũng là một trong những tác động khiến giáo viên này cũng như một số trường hợp khác có những hành động bất thường. Thế nhưng, dù do bất kể lý do nào, hành động trên cũng không thể chấp nhận và không có gì bào chữa được.
Nhìn nhận sự việc ở góc độ nhà nghiên cứu tâm lý, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhìn nhận cách làm của giáo viên Đệ là phản khoa học, phản giáo dục, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt, nó sẽ làm sai lệch hình ảnh của thầy cô trong tâm trí của học sinh và khiến học sinh xa lạ với thầy cô.
Trong khi đó, nếu mục đích của giáo viên khi áp dụng hình phạt này là để răn đe, giáo dục trẻ thì hoàn toàn phản tác dụng. Cái mà các thầy cô nhìn thấy sau khi đánh học trò là học trò nghe lời hơn, im lặng trước yêu cầu của thầy và phục tùng không phải là hình ảnh một đứa trẻ ngoan. Nguy hiểm hơn, hành động bạo lực của thầy cô có thể sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, hành động của trẻ sau này. Nếu có cơ hội, rất có thể chúng sẽ lặp lại những hành động này.
Hà An