Ngày 2-2, phiên xử Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC), Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) cùng đồng phạm trong vụ tham ô tài sản tại PVP Land tiếp tục với phần tranh luận.
Trịnh Xuân Thanh: “Bị cáo không liên quan”…
Khi HĐXX gọi lên đối đáp, Trịnh Xuân Thanh bức xúc: “Bị cáo không muốn nói nhưng vì tòa cho phép nên bị cáo nói”. Theo bị cáo này, lập luận của đại diện VKS không khác gì bản luận tội và biến điều mình làm “từ đúng thành sai”.
Bị cáo Thanh nói lập luận của VKS nêu bị cáo làm thất thoát vốn nhà nước tại PVP Land là không đúng bởi PVP Land không phải công ty nhà nước mà chỉ là công ty liên kết của PVC và HĐQT của PVP Land, làm việc theo pháp luật doanh nghiệp.
Bị cáo cũng nêu việc quy kết bị cáo chủ mưu bán cổ phần giá thấp để chia tiền là “không có căn cứ” vì bản thân PVP Land đã ra nghị quyết để đặt cọc và ký kết hợp đồng sang nhượng cổ phần, “kể cả khi bị cáo không đồng ý thì họ cũng sẵn sàng thực hiện vì đã đặt cọc và ký kết hợp đồng rồi”.
Cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh cho rằng tất cả bị cáo không có một cuộc gọi hay một sự liên hệ trực tiếp nào với bị cáo để bàn bạc chia tiền. Ngoài lời khai từ cựu chủ tịch HĐQT PVP Land Đào Duy Phong rằng bị cáo có gọi điện thoại chỉ đạo nhưng bị cáo đã khai với CQĐT là “chưa bao giờ gọi cho anh Phong vì không có số điện thoại”.
“Với bản luận tội và đối đáp của VKS, bị cáo thấy đại diện VKS coi thường tất cả người ngồi đây, cả luật sư, các bị cáo và cha mẹ bị cáo. Biến cái không thành có, biến trắng thành đen. Rõ ràng bị cáo không tham gia, liên hệ trong chuyện đấy lại khẳng định bị cáo là người chỉ đạo, chia tiền thì đấy là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được” - Trịnh Xuân Thanh nói.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. Ảnh: TTXVN |
Trong lúc đối chất, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục khẳng định mình “vô tội và không có liên quan gì trong vụ án”. “Bằng chứng là CQĐT và VKS trước đây chưa một ai nói bị cáo là người vi phạm pháp luật trong vụ án này. Bây giờ sau bảy năm lại đưa bị cáo ra xét xử bằng những bằng chứng vu vơ, xong kết luận bị cáo chỉ đạo, đưa bị cáo mức án chung thân với tội tham ô là rất vô lý. Bị cáo mong HĐXX xem xét” - Trịnh Xuân Thanh nói.
VKS: Trịnh Xuân Thanh có vai trò chủ mưu
Trước đó, đại diện VKS đã đối đáp quan điểm của các luật sư (LS) bào chữa. Xuyên suốt quá trình tranh luận, đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ truy tố tám bị cáo về tội tham ô tài sản.
Trong đó, Trịnh Xuân Thanh là người quyết định cử Đào Duy Phong và cựu TGĐ PVP Land Nguyễn Ngọc Sinh đại diện vốn của PVC tại PVP Land, là người gián tiếp quản lý vốn của PVC tại PVP Land. Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định trong việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị đặt cọc.
Theo đại diện VKS, kết quả xét hỏi tại tòa cho thấy Trịnh Xuân Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định trong việc chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị đặt cọc, tạo ra chênh lệch giá để chiếm đoạt giá trị 87 tỉ đồng. Trên thực tế, các bị cáo đã chiếm đoạt và chia nhau 49 tỉ đồng, trong đó Thanh hưởng lợi 14 tỉ đồng. Cạnh đó, theo quy chế của PVC cùng lời khai của các bị cáo tại tòa, việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land phải báo cáo Trịnh Xuân Thanh. Bị cáo này là người quyết định.
Về số tiền 14 tỉ đồng, lời khai của các bị cáo Thắng và cựu phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Vietsan Thái Kiều Hương cùng một số người liên quan về quá trình nhận tiền từ Hương chuyển cho Trịnh Xuân Thanh đều phù hợp với nhau. Bị cáo Thanh cũng khai nhận có nhận valy tiền từ tài xế của mình nhưng không đếm cụ thể bao nhiêu.
Đối với Phong, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm cho rằng bị cáo này có các hành vi thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và chỉ đạo Sinh ký hợp đồng chuyển nhượng. Bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm, thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng nhưng chỉ nhận phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chứ không phải tham ô. Thế nhưng căn cứ vào các tài liệu và quá trình xét hỏi cho thấy việc truy tố tội tham ô là đúng người, đúng tội, đề nghị trả hồ sơ của LS là không có căn cứ. Tương tự, đối với Sinh và các bị cáo còn lại, việc truy tố về tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội.
Không chấp nhận thực nghiệm bỏ 14 tỉ vào valy
Về đề nghị thực nghiệm bỏ 14 tỉ đồng vào một valy của Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS cho rằng lời khai của Hương, Thắng và một số người liên quan phù hợp với nhau về việc bị cáo Thanh nhận và chuyển chiếc valy tiền vào nhà. Sau khi cơ quan CSĐT khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hương yêu cầu Thắng trả lại, Thắng báo cho Trịnh Xuân Thanh và đến văn phòng của bị cáo Thanh nhận tiền chuyển lại cho Hương. Sau đó, Trịnh Xuân Thanh có bảo Thắng dặn Hương giữ bí mật về việc chuyển-nhận số tiền này.
“Số tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau, do đó không có căn cứ khẳng định 14 tỉ đồng này do Trịnh Xuân Thanh nhận và trả lại. Yêu cầu thực nghiệm là không có cơ sở” - đại diện VKS nói.
Em trai ông Thăng là người giúp sức
Tại phiên tòa, Đinh Mạnh Thắng trình bày rằng mình không chủ động tham gia tác động tới Trịnh Xuân Thanh. “Trong hai lần giới thiệu bị cáo Hương gặp anh Thanh, đề nghị anh Thanh chuyển nhượng cổ phần nhưng chuyển nhượng như thế nào bị cáo không biết, chỉ nói là anh giúp đỡ Hương. Bị cáo mong được xem xét hành vi của bị cáo để được hưởng mức án nhẹ hơn” - bị cáo Thắng nói.
Tuy nhiên, theo đại diện VKS, bị cáo này có vai trò giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh, Phong và Sinh phạm tội. Theo đề nghị của Hương, Thắng đã thông báo với Thanh về việc có khách muốn chuyển nhượng cổ phần của PVP Land; nhận 14 tỉ đồng từ Hương để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh và trực tiếp hưởng lợi 5 tỉ đồng. Bị cáo biết rất rõ 19 tỉ đồng này là hưởng lợi từ việc chuyển nhượng cổ phần với giá trị chênh lệch.
Theo Pháp Luật TP.HCM