Nhiều thập kỷ qua, phong trào đấu tranh chấm dứt bạo hành phụ nữ tăng cao trên các chương trình nghị sự của các quốc gia và trên trường quốc tế. Một số lượng chưa từng có các quốc gia đồng loạt ban hành luật chống bạo hành gia đình, tấn công tình dục cũng như chống các hình thức bạo lực khác… Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều khi thực thi các đạo luật này, vẫn còn nhiều hạn chế cho phụ nữ và trẻ em tiếp cận an toàn. |
Phụ nữ có quyền được sống thoải mái, thoát khỏi bạo lực đã được duy trì bởi các thỏa thuận quốc tế như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), đặc biệt là thông qua khuyến nghị chung 12, 19 và Tuyên bố của Liên Hợp Quốc năm 1993 về việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.
Ủy ban về tình trạng Phụ nữ (CSW) của Liên Hợp Quốc đã làm việc với nhiều nước trên toàn cầu nhằm thúc đẩy khuôn khổ quy chuẩn quốc tế thông qua hỗ trợ, cung cấp các quy trình liên chính phủ như Đại hội đồng và CSW.
Ở cấp quốc gia, CSW hỗ trợ Chính phủ trong việc áp dụng và ban hành các cải cách pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Người ta ước tính rằng 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã trải qua bạo hành thân thể hoặc bạo lực tình dục của kẻ xấu không phải là chồng mình. Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại các quốc gia cho thấy có tới 70% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục từ bạn tình.
Những phụ nữ bị ngược đãi về mặt thể chất hoặc tình dục thường có nguy cơ phá thai cao hơn gấp 2 lần người khác, và gần như gấp đôi khả năng bị trầm cảm. Ở một số vùng, những phụ nữ bị bạo hành có khả năng nhiễm HIV cao gấp 1,5 lần so với những phụ nữ không bị bạo hành.
Mặc dù có rất ít dữ liệu so sánh các hình thức bạo hành tâm lý giữa các quốc gia, các nền văn hóa nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy, tỷ lệ bị ảnh hưởng tâm lý tương đối cao.
43% phụ nữ ở 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã trải qua một số hình thức bạo hành tâm lý. Người ta ước tính rằng tất cả phụ nữ là nạn nhân của các vụ giết người trên toàn cầu trong năm 2012 thì gần một nửa đã bị giết bởi các đối tác thân thiết hoặc là thành viên gia đình.
Hơn 1/4 phụ nữ ở Washington DC, Hoa Kỳ, đã trải qua một số hình thức quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng, theo một cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2016.
Trên toàn thế giới, gần 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã bị bắt ép kết hôn trước lần sinh nhật thứ 18 của mình. Tảo hôn phổ biến hơn ở Tây và Trung Phi, nơi có hơn 4/10 bé gái đã kết hôn trước 18 tuổi, và khoảng 1/7 đã kết hôn hoặc đính hôn trước tuổi 15. Kết hôn quá sớm thường dẫn đến hệ quả trẻ em gái mang thai sớm và bị xã hội cô lập, bỏ học giữa chừng, bị hạn chế cơ hội đi làm và có nguy cơ cao phải hứng chịu bạo hành gia đình.
Khoảng 120 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới (hơn 1/10 trẻ em) đã bị buộc phải quan hệ hoặc hứng chịu các hành vi tình dục cưỡng bức khác trong cuộc sống. Cho đến nay, thủ phạm bạo lực tình dục phổ biến nhất đối với trẻ em gái là những người chồng, bạn tình, bạn trai hiện tại hay người tình cũ.
Ít nhất 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã trải qua cuộc cắt xén bộ phận sinh dục nữ ở 30 quốc gia. Ở hầu hết các nước này, phần lớn các cô gái đã bị cắt trước 5 tuổi.
Phụ nữ trưởng thành chiếm 51% tổng số nạn nhân buôn người được phát hiện trên toàn cầu. Phụ nữ và trẻ em gái chiếm 71%, và ¾ bé gái là nạn nhân của các vụ buôn bán trẻ em. Gần ¾ phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán vì mục đích bóc lột tình dục.
Cứ 10 người phụ nữ ở Liên minh châu Âu thì có 1 phụ nữ đã từng bị quấy rối trên mạng (bao gồm nhận được email hoặc tin nhắn SMS không mong muốn, hoặc bị xúc phạm trên các trang mạng xã hội). Nguy cơ cao nhất ở phụ nữ trẻ từ 18 - 29 tuổi.
Ước tính có khoảng 246 triệu bé gái và bé trai trải qua bạo lực liên quan đến trường học mỗi năm.
¼ các bé gái nói rằng chúng không bao giờ cảm thấy thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh của trường, theo một cuộc khảo sát về thanh thiếu niên được tiến hành trên 4 khu vực. Mức độ và hình thức bạo lực liên quan đến trường học mà bé trai và bé gái trải qua khác nhau, nhưng bằng chứng cho thấy rằng trẻ em gái có nhiều nguy cơ bị bạo hành tình dục, quấy rối.
Ngoài hậu quả sức khỏe tâm lý, bạo lực giới tính liên quan đến trường học là trở ngại chính đối với việc học phổ thông và quyền được học hành của bé gái.
Lớn hơn một chút, 23% nữ sinh đại học đã trải qua hành vi tình dục hoặc hành vi tình dục sai trái trong một cuộc khảo sát trên 27 trường đại học ở Hoa Kỳ vào năm 2015.
82% nữ nghị sĩ tham gia vào một nghiên cứu do Liên minh nghị viện liên bang tiến hành tại 39 quốc gia trên 5 vùng lãnh thổ cho biết, họ đã trải qua một số hình thức bạo hành tâm lý khi thực thi chức trách của mình. Bạo lực tâm lý đôi khi chỉ đơn giản là những câu nói, cử chỉ và hình ảnh của một người theo chủ nghĩa phân biệt giới tính hoặc những xỉ nhục chống lại họ, đe dọa họ. Gần một nửa số người được khảo sát (44%) cho biết đã nhận được các mối đe dọa giết chết, hãm hiếp, tấn công hoặc bắt cóc bản thân hoặc gia đình.
Ở phần lớn các quốc gia tham gia khảo sát lấy dữ liệu, có 40% phụ nữ bị bạo hành đã cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ dưới mọi hình thức. Trong số những phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ, hầu hết trông cậy vào gia đình và bạn bè, rất ít người tìm đến các cơ quan và cơ chế chính thức, chẳng hạn như cảnh sát và các dịch vụ y tế, các văn phòng, cơ quan bảo vệ quyền lợi cho họ. Chỉ có dưới 10% phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách kêu gọi cảnh sát.
Ít nhất 140 quốc gia đã thông qua luật về bạo lực gia đình và 144 quốc gia có luật về quấy rối tình dục.
Tuy nhiên, ngay cả khi luật tồn tại không có nghĩa là nguy hiểm đối với phụ nữ được xóa bỏ. Có tới 37 quốc gia miễn truy tố tội hiếp dâm khi họ kết hôn hoặc sau đó kết hôn với nạn nhân.
Các dữ liệu thu thập về bạo hành phụ nữ tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Từ năm 1995, hơn 100 quốc gia đã tiến hành ít nhất một cuộc khảo sát giải quyết vấn đề này. Hơn 40 quốc gia đã tiến hành ít nhất hai cuộc điều tra trong giai đoạn từ 1995 đến 2014, tùy thuộc vào sự so sánh giữa các cuộc điều tra, những thay đổi theo thời gian, mức độ bạo hành… có thể được phân tích để đưa ra những biện pháp cụ thể hơn.
Một số dữ liệu thu thập được cho thấy, một số phụ nữ rơi vào nhóm dễ bị tổn thương như đồng tính, lưỡng tính, bị khuyết tật; là người dân tộc… hoặc phụ nữ ở những vùng có một số yếu tố ngữ cảnh tác động, chẳng hạn như khủng hoảng nhân đạo, xung đột quân sự… có nguy cơ bị bạo hành, bị tổn thương tâm lý cao hơn.
Trong năm 2014, 23% phụ nữ đồng tính, lưỡng tính hoặc thiên hướng tình dục khác được phỏng vấn tại Liên minh châu Âu tiết lộ đã từng trải qua bạo hành tình dục và thể chất từ cả nam và nữ.
Trong một cuộc khảo sát với 3.706 học sinh tiểu học ở Uganda cho thấy, 24% trẻ em khuyết tật từ 11 - 14 tuổi cho biết đã bị bạo hành tình dục ở trường, con số này cao hơn 12% so với trẻ em không khuyết tật.