Được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, Wat Phou là đền thờ lâu đời nhất ở Lào và từng là trung tâm của đạo Hindu, thờ thần Shiva. Đến thế kỷ 13, Wat Phou trở thành trung tâm của Phật giáo Tiểu thừa và tồn tại cho đến ngày nay. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, quần thể tàn tích được bao bọc bởi 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong (Siphandone) này ngày càng trở thành điểm đến của nhiều du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của những công trình kiến trúc độc đáo và các giá trị văn hóa lịch sử, cũng như tâm linh.
Được tổ chức liên tiếp trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 Phật lịch Lào hàng năm, lễ hội Wat Phou gồm nhiều hoạt động truyền thống như lễ cúng dường (tắc-bạt) cho các nhà sư, lễ rước nến (viên thiên)…
Sau 3 năm gián đoạn hoặc chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ do đại dịch COVID-19, năm nay lễ hội Wat Phou đã được tổ chức trở lại với quy mô lớn như trước đây nhằm giúp người dân được thỏa nguyện trong việc thực hành các nghi thức tôn giáo đồng thời cũng để thu hút khách du lịch, phục hồi lại ngành du lịch của tỉnh Champasak nói riêng và của các tỉnh Nam Lào nói chung.
Khởi đầu buổi lễ là lễ rước truyền thống của Lào với sự tham gia của 1.850 người cùng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc đậm chất văn hóa của các dân tộc sinh sống tại tỉnh Champasak.
Ông Sombout Takoun, Phó Chủ tịch tỉnh Champasak nhấn mạnh, Wat Phou là một địa điểm du lịch quan trọng của Lào và đã được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới vào năm 2001. Đây là điểm du lịch giúp kết nối các điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và làng nghề của tỉnh Champasak, chính vì vậy Chính quyền tỉnh rất kỳ vọng việc tổ chức lễ hội Wat Phou lần này sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch của Champasak.
Đối với người dân Lào, Wat Phou không chỉ là địa điểm linh thiêng để đến cầu may vào mỗi năm, mà còn là nơi để giáo dục con cháu về truyền thống tôn giáo và văn hóa đáng tự hào của dân tộc.
Trong khi đó, bà Xengphachan Sayachak, một cư dân ở Champasak cho biết năm nào bà cũng cố gắng đưa gia đình và con cháu lên Wat Phou để cầu xin sức khỏe, may mắn, đồng thời cũng để con cháu hiểu thêm về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Đến nay, dù đã bị tàn phá bởi thời gian cũng như chiến tranh nhưng Wat Phou vẫn được xem là một trong những địa điểm lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và lịch sử của Lào, thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.
Cũng tại lễ hội, chị Julie Brook, đến từ bang San Francisco, Mỹ cho biết ngay từ khi đến lễ hội chị đã ngạc nhiên khi thấy không chỉ có rất đông người dân địa phương, lễ hội Wat Phou còn thu hút rất đông đảo khách tham quan tới từ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Khi lễ hội mới bắt đầu, chị đã thực sự bị cuốn hút bởi các điệu múa truyền thống hết sức đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa của các dân tộc ở tỉnh Champasak cũng như lịch sử của đất nước Lào.
Theo chị Julie, lễ hội Wat Phou còn có nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó không thể không kể tới hoạt động thả đèn trời, dưới ánh trăng sáng huyền ảo, những chiếc đèn trời mang theo mơ ước của các đôi lứa đang yêu, của các gia đình và nhóm bè bạn liên tiếp được thả lên trong khung cảnh huyền bí và cổ kính của Wat Phou đem lại một khung cảnh tuyệt vời khó quên.
Việc chính quyền Champasak tổ chức lễ hội Wat Phou theo quy mô lớn nằm trong chiến lược khôi phục kinh tế sau đại dịch của Chính phủ Lào, đồng thời cũng nhằm hiện thực hóa mục tiêu thu hút ít nhất 1,4 triệu du khách nước ngoài đến nước này trong năm 2023 mà Chính phủ Lào đã đề ra. Ngay trong ngày đầu tiên, lễ hội đã thu hút hàng chục vạn người dân và du khách đến tham quan.