Thông tin ban đầu từ ông Quản Văn Hùng, Chủ tịch xã Khánh Xuân, Bảo Lạc, Cao Bằng, số lợn này do một doanh nghiệp đã đổ xuống khi đêm tối. Số lượng những con lợn không được thống kê cụ thể, vì chỉ nửa ngày sau khi xuất hiện, những con lợn lại biến mất để lại nguyên trạng bãi đất trống.
Thực ra những con lợn không tự biến mất, chúng được người dân địa phương mổ thịt đem về ăn. Một người chứng kiến sự việc nói: “Khoảng 7h sáng 9/4, tôi có việc đi qua khu vực xã Khánh Xuân thì thấy tình trạng trên. Các xác lợn nằm vất vưởng ngổn ngang, tím tái. Tuy nhiên, chiều cùng ngày khi quay lại thì không còn thấy xác lợn nào nữa”.
Những con lợn nằm la liệt, tím tái xuất hiện kỳ quặc.
Cũng theo ông Hùng, UBND xã đã gấp rút tìm hiểu thông tin về những con lợn biến mất thì được biết, người dân chỉ mang những con lợn còn sống về thịt, họ cũng chỉ ăn một vài phần thịt mông, vai, không ăn nội tạng và không đem bán.
Vị chủ tịch xã cho biết chưa từng có sự việc tương tự xảy ra trên địa bàn, mặc dù Cao Bằng là một trong những cửa ngõ xuất khẩu lợn sang Trung Quốc nhưng xã Khánh Xuân chỉ có con đường nhỏ nên những xe lợn thường không đi qua đây. “Theo quy định, những con bị chết buộc phải đem tiêu hủy theo đúng trình tự. Hàng chục xác lợn này đã không được xử lý theo đúng quy định”, ông nói.
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết việc người dân ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc là vô cùng nguy hiểm nhất là những con lợn đã chết. Có thể dẫn đến ngộ độc nếu lợn bị chết từ nguyên nhân ăn phải thứ gì đó, người bị ngộ độc có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Khải cho rằng, sự việc trên xảy ra là ngoài ý muốn, chúng ta không nên tìm cách đổ lỗi, trách nhiệm cho chính quyền. Việc của họ chỉ là phải tìm được người đã đổ số lợn không đúng quy trình. Còn việc người dân tự ý xẻ thịt lợn ăn thì nên đánh giá vào ý thức, dân trí kém.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhật Khôi