Xâm phạm di sản: Cần nâng chế tài xử lý, thậm chí là xử lý hình sự?

(Ngày Nay) - Như Ngày Nay đã phản ánh, vùng lõi Di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cả một vùng rộng lớn bị ‘băm nát’ để xây dựng khu nghỉ dưỡng trái với quy định của Chính phủ. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên di sản Tràng An bị xâm phạm mà trước đó đã có nhiều vụ việc xảy ra. Vấn đề được đặt ra là: liệu có phải tỉnh Ninh Bình đang bế tắc trong việc quản lý, phát huy di sản Tràng An hay không? Đáng chú ý, tình trạng xâm phạm di sản hiện nay không chỉ xảy ra ở riêng tỉnh Ninh Bình mà còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác có di sản được quốc tế công nhận.
Vùng lõi di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) hiện đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hàng loạt các công trình xây dựng
Vùng lõi di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) hiện đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi hàng loạt các công trình xây dựng

Phóng viên Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam về những vấn đề nổi cộm đang diễn ra tại các di sản ở Việt Nam. 

PV: Thưa PGS.TS Đỗ Văn Trụ! Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 236 về các di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, trong đó nghiêm cấm việc xây dựng tại vùng lõi di sản, trong đó đặc biệt nghiêm cấm xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ dưỡng, homestay; tuy nhiên các địa phương dường như vẫn đang phớt lờ điều này. Và việc xâm phạm di sản vẫn diễn ra, vậy nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là từ đâu?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Đất nước ta có là vùng đất có kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú và là niềm tự hào của dân tộc; mà trong đó di sản được xác định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trong những năm qua, hệ thống luật pháp về di sản văn hoá được Nhà nước ban hành rất nhiều; theo đó phải kể đến Luật Di sản văn hoá, cho đến các Nghị định và các Thông tư hướng dẫn. Tất nhiên, trong thực tiễn, chúng ta cũng cần phải tiếp cận với tình hình thực tế; mặc dù luật pháp thì ngày càng hoàn thiện, nhưng theo tôi thấy thì cơ sở hệ thống luật pháp về di sản của chúng ta hiện nay đã tương đối đồng bộ. Bên cạnh luật pháp trong nước thì chúng ta còn ràng buộc bởi các quy định của UNESCO về di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới.

Một điều rất đáng mừng, di sản văn hoá và thiên nhiên của nước ta hiện nay đang ngày càng được quan tâm hơn. Có rất nhiều chính sách và biện pháp để bảo vệ di sản; cùng với đó, các chương trình ngoài luật pháp để chống lại việc xuống cấp tại các di sản cũng như những chương trình đầu tư cho các di sản cũng đang được tiến hành – đó là mặt được và là một khía cạnh rất tích cực. Bên cạnh đó, một nỗi trăn trở rất lớn và bức xúc đó là hiện nay, các di tích, di sản của chúng ta đang bị vi phạm rất nhiều. Về xếp hạng di tích, nước ta có tới hơn 3000 di tích Quốc gia, hơn 100 di tích Quốc gia đặc biệt và rất nhiều di sản văn hoá, di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta cũng là một trong những nước có nhiều di sản được thế giới công nhận nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Thế nhưng, trong thời gian qua, không chỉ đối với các di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, mà cả các các di tích Quốc gia, các di tích Quốc gia đặc biệt và nhiều di tích khác nữa cũng bị xâm phạm rất nhiều. Và tình trạng này diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Sự việc xảy ra ở Mã Pí Lèng, ở Cao nguyên đá Đồng Văn, ở di sản Tràng An… trong thời gian gần đây cho thấy một thực tế rất đáng buồn trong công tác bảo vệ di sản ở nước ta.

Năm 2018, tại di sản Tràng An có xảy ra một vụ xây dựng trái phép, xâm phạm di sản và năm 2019 cũng lại xảy ra một vụ việc tương tự như vậy ở khu vực Thung Nham – vùng lõi di sản Tràng An. Điều này cho thấy tình trạng xâm phạm di sản và di tích không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, thậm chí là “tự tung tự tác”. Khi xây dựng tất cả các công trình, người ta chỉ chú ý về mặt lợi ích kinh tế trước mắt mà không nắm được Luật di sản là như thế nào. Dường như nhiều người đang cố tình phớt lờ đi tất cả để xây dựng trong vùng lõi di sản. 

Xâm phạm di sản: Cần nâng chế tài xử lý, thậm chí là xử lý hình sự? ảnh 1

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam 

PV: Dù hành lang pháp lý, các quy định đã rất chi tiết nhưng hiện tượng xâm phạm di sản vẫn diễn ra, vậy có phải là do các địa phương, các cơ quan quản lý, bảo vệ di sản chưa làm tròn trách nhiệm của mình? Và theo ông thì những vấn đề nổi cộm nhất đang xảy ra tại các di sản của chúng ta là gì?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Hiện nay, xuất hiện hiện tượng một số người khi họ nhận thấy tại bất kỳ khu vực nào thuộc di sản mà có thể “làm ăn được”, có thể phát triển kinh tế thì họ sẽ bất chấp các quy định và cứ vô tư xây dựng bừa đi, lấn cả vào vùng lõi di sản. Trong Luật di sản có quy định: vùng lõi di sản gồm khu vực bảo vệ 1, khu vực bảo vệ 2… và mặc dù khu vực bảo vệ 2 nằm ngoài vùng lõi di sản nhưng nếu công trình có quy cơ xâm phạm và phá vỡ đến cảnh quan di sản thì cũng không được phép xây dựng. 

Theo tôi nghĩ, có những vấn đề nổi cộm như sau:

Thứ nhất, về mặt luật pháp, chúng ta hiện nay chưa quán triệt một cách đầy đủ và nghiên cứu để nắm bắt được luật pháp cụ thể là như thế nào.

Thứ hai, người ta biết được việc xây dựng của mình là xâm phạm di sản nhưng người ta cứ cố tình, thấy lợi ích trước mắt thì cứ làm. Đây là một điều vô cùng nguy hiểm. Ở các nước khác trên thế giới, khi muốn xây dựng bất kỳ một công trình nào trong khu vực di sản, họ đều có công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ, giám sát… để xem xét mọi vấn đề có liên quan; nếu việc xây dựng có bất kỳ tác động nào đến di sản thì cũng sẽ bị dừng ngay. Nhưng ở Việt Nam hiện nay thì cứ thấy có lợi ích kinh tế là xây bừa bãi, không giải quyết được một cách hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển như thế nào, mà cứ đặt lợi ích về kinh tế lên trên mà thôi!

PV: Vậy cần làm gì để khắc phục những điều này thưa ông?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Theo tôi nghĩ, công tác kiểm tra, thanh tra tại các di sản của chúng ta hiện nay còn rất yếu. Tất cả những vụ việc xâm phạm di sản đều chỉ được phát hiện rất muộn, khi “sự đã rồi”. Hầu hết những công trình xâm phạm di sản, di tích chỉ được phát hiện khi đã được xây dựng được một thời gian, thậm chí là hoàn thiện xong xuôi và đưa vào hoạt động rồi thì lúc đó thanh tra văn hoá, thanh tra của các cấp các ngành có liên quan mới vào cuộc. Có những vụ việc, chỉ khi có sự vào cuộc tìm hiểu của báo chí thì các ban ngành liên quan mới phát hiện ra. Đây là vấn đề rất nan giải và vô cùng bức xúc. 

UNESCO có những quy định rất chặt chẽ khi phong tặng danh hiệu và họ cũng có quyền tước đi danh hiệu đó nếu chúng ta vi phạm quy định. Trong đó, UNESCO quy định rất rõ ràng đó là không được xâm phạm di sản, phá vỡ cảnh quan của di sản. Có rất nhiều công trình vi phạm, xây dựng ở sát, thậm chí là lấn cả vào vùng lõi di sản đã xảy ra ở nước ta; có thể kể đến nhiều công trình ở Tràng An như xây dựng nhà hàng, xây dựng các khu dân sinh, các khu nghỉ dưỡng… Những điều này nếu đối chiếu theo các quy định của UNESCO và các quy định về di sản của Nhà nước ban hành là sai hoàn toàn.

Đối với một di sản, vùng lõi và cảnh quan gốc của di sản chính là điều vô cùng quý giá và quan trọng. Chúng ta giờ cứ lấn át cả vào di sản, phá vỡ di sản đi như vậy là rất nghiêm trọng. Một di sản khi đã bị phá vỡ rồi thì không có cách gì bù đắp lại được – đó là một thiệt thòi rất lớn đối với các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên của dân tộc.

Thứ nhất, tất cả chúng ta phải nhận thức đây là một vấn đề rất lớn, không phải chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn để lại hậu quả nặng nề trong tương lai nếu như chúng ta làm không tốt; không có các biện pháp chấn chỉnh nghiêm minh; không có sự tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để người dân cũng như các doanh nghiệp hiểu được vấn đề bảo vệ di sản quan trọng như thế nào

Thứ hai, đối với việc xây dựng quy trình khi chúng ta xét duyệt những di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt hay các di sản văn hoá, thiên nhiên thế giới trình UNESCO thì cũng cần phải có đề án, có hồ sơ cụ thể. Việc sơ hở trong quá trình xét duyệt, vô tình phớt lờ đi việc bảo vệ di tích, di sản cũng là một vấn đề chúng ta cần đặc biệt lưu tâm.

Thứ ba, việc thanh, kiểm tra phải được vào cuộc thực hiện một cách sâu sát; phải có những biện pháp cứng rắn để chấm dứt và ngăn chặn tình trạng xâm phạm di sản nhằm tránh tạo tiền lệ xấu cùng hệ luỵ: nếu không quản lý nghiêm và có biện pháp xử lý cứng rắn thì tại bất kỳ di tích, di sản nào cũng sẽ có thể xảy ra tình trạng hết công trình này lại đến công trình khác mọc lên, người này làm được thì người kia cũng làm được, nơi này làm thì nơi khác cũng làm theo.

Thứ tư, công tác quản lý di tích, di sản đã được phân cấp rất rõ ràng rồi; cụ thể: di tích Quốc gia đặc biệt và di sản thế giới tại Việt Nam do Chính phủ quản lý; di sản Quốc gia thuộc thẩm quyền Bộ Văn hoá quản lý; tiếp đó là phân công và giao lại cho các địa phương có trách nhiệm trực tiếp nắm bắt tình hình và chịu trách nhiệm quản lý theo từng phân cấp cụ thể. Thế nhưng, từ trước tới nay, tôi chưa từng thấy có bất kỳ vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm đến cùng như đưa ra Toà án xét xử về vấn đề xâm phạm di sản cả. Tất cả đều chỉ dừng lại ở việc nêu ra vấn đề như thế thôi; rồi các cơ quan ban ngành có liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra; và cuối cùng tất cả chỉ dừng lại ở việc… rút kinh nghiệm, chứ không có vụ nào được giải quyết một cách nghiêm minh cả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.