Di sản Tràng An đang bị ‘bê tông hoá’?

(Ngày Nay) - Tình trạng xây dựng tràn lan các homestay, các khu nghỉ dưỡng, khu lưu trú mọc lên đã khiến cho Di sản Tràng An (tỉnh Ninh Bình) trở nên nham nhở, mất đi vẻ đẹp vốn có của nơi này. UNESCO đã có những khuyến cáo cụ thể, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định về việc nghiêm cấm xây dựng tại vùng lõi của di sản Tràng An, thế nhưng dường như tỉnh Ninh Bình đang phớt lờ tất cả. Người dân thì vẫn vô tư xây dựng, còn chính quyền thì bất lực trong việc quản lý, bảo tồn khu danh thắng mang tầm vóc thế giới này.
Hiện trường nơi vùng lõi di sản Tràng An bị xâm phạm.
Hiện trường nơi vùng lõi di sản Tràng An bị xâm phạm.

‘Băm nát’ di sản để làm khu nghỉ dưỡng

Sự việc xảy ra tại công trình xây dựng khu du lịch Thung Nham do Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh làm chủ đầu tư, đang được xây dựng thêm các công trình để mở rộng khai thác du lịch. Đáng chú ý, những công trình này cứ ngang nhiên xây dựng, xâm hại di sản Tràng An trong suốt một thời gian dài; và cho đến khi hàng loạt công trình đã xây xong móng, đổ tầng... thì lực lượng chức năng mới vào cuộc kiểm tra.

Cả một vệt sườn núi dài hơn trăm mét thuộc xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Nình Bình) – vùng lõi được bảo vệ đặc biệt của di sản Tràng An đã bị ‘băm nát’ bởi máy xúc, máy ủi và những khối bê tông là các công trình của khu nghỉ dưỡng đang chuẩn bị mọc lên. Điều đáng nói, mặc dù biết đây là vùng lõi của di sản Tràng An, thế nhưng phải đến khi công trình của Công ty Doanh Sinh thi công được nhiều tháng và báo chí vào cuộc phản ánh thì phía chính quyền huyện Hoa Lư mới lao tới kiểm tra rồi ra quyết định xử phạt. 

Theo báo cáo kết quả kiểm tra ngày 22/11 của UBND huyện Hoa Lư, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Doanh Sinh đang xây dựng nhiều công trình. Đó là nhà dịch vụ xông hơi số hiệu 24 xây dựng trên diện tích thực tế 720 m2 (đã đổ xong móng bê-tông cốt thép, đang lắp dựng cốt thép cột), vượt 240 m2 diện tích được cấp phép; cụm nhà nghỉ hai tầng số hiệu 25, diện tích xây dựng thực tế 1.990 m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1), vượt tới 1.390 m2 diện tích được cấp phép; nhà nghỉ dưỡng loại 1, xây dựng 310,5 m2 (đã đổ xong mái bê-tông cốt thép tầng 2), diện tích được cấp phép là 130 m2. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại cụm nhà nghỉ hai tầng số hiệu 25, ngoài việc xây dựng sai quy mô còn sai vị trí so với tổng mặt bằng đã được cấp phép.

Di sản Tràng An đang bị ‘bê tông hoá’? ảnh 1
Di sản Tràng An đang bị ‘bê tông hoá’? ảnh 2

Hàng loạt các công trình đều đã được thi công xong phần móng, đổ tầng... thì lực lượng chức năng mới phát hiện và vào cuộc kiểm tra. 

Trong báo cáo về vụ việc này, UBND huyện Hoa Lư khẳng định: toàn bộ công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt); vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An và quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.

Phía UBND huyện Hoa Lư cho biết, đơn vị này đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Ninh Bình và các ban ngành có liên quan. Đồng thời, Công ty Doanh Sinh trong vòng 60 ngày phải đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép điều chỉnh, nếu quá hạn không xuất trình được giấy phép điều chỉnh thì công ty phải tự tháo dỡ phần vi phạm của công trình hoặc UBND huyện sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần. 

Ninh Bình bất lực nhìn di sản bị xâm phạm?

Được biết, sự việc xảy ra tại dự án của Công ty Doanh Sinh vốn không phải lần đầu tiên mà di sản Tràng An bị xâm phạm. Trước đây, đã có rất nhiều công trình mọc lên tại khu di sản được UNESCO công nhận này, nhưng phía chính quyền tỉnh Ninh Bình thì vẫn luôn tiến hành xử lý theo kiểu ‘việc đã rồi’ nên sẽ tiến hành xử phạt sau đó buộc tháo dỡ. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng có thể nhận thấy rằng, rất nhiều khu vực của di sản Tràng An sau khi bị xâm phạm, dù đã xử phạt và tháo dỡ nhưng cũng không thể trả lại nguyên trạng như ban đầu được.

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi di sản Tràng An hiện có tới 64 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, trong đó có 20 công trình xây dựng không phép (xây sau Quyết định 230 của Thủ tướng Chính phủ); dù Sở này đã đưa thông tin các cơ sở vi phạm lên Cổng thông tin của tỉnh để khuyến cáo, đề nghị các ngành chức năng yêu cầu dừng hoạt động nhưng vẫn không có tác dụng. Đáng chú ý, có tới hơn 20 công trình xây dựng không phép nhưng chính quyền tại đây dường như không ai biết chuyện, và thậm chí còn không biết những cơ sở này đang tồn tại. 

Di sản Tràng An đang bị ‘bê tông hoá’? ảnh 3
Di sản Tràng An đang bị ‘bê tông hoá’? ảnh 4

Toàn bộ công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An đã vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định số 230 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình  cho rằng: để xảy ra tình trạng homestay hoạt động trái phép nhưng chưa xử lý triệt để là do các điểm du lịch này nằm trên đất của người dân, toàn là đất hợp pháp, có ‘sổ đỏ’. Một số địa phương cũng vì còn ‘cả nể’ nên không chặt chẽ trong vấn đề xử lý. Trao đổi về trách nhiệm của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình trước tình trạng này, ông Mạnh quả quyết: 'Chúng tôi đang rất quyết liệt trong việc xử lý. Trong năm 2018 có tới vài chục vụ xây dựng trái phép trong vùng lõi nhưng năm nay đã giảm hẳn, chỉ còn lác đác 1-2 vụ' (?).

Cũng theo ông Mạnh, về lâu dài Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đang lên các phương án xử lý. Cùng với việc lấy ý kiến của các chuyên gia và Sở xây dựng để quy hoạch chi tiết một số địa điểm, nhằm mục tiêu đến kỳ điều chỉnh quy hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh quy hoạch của Quyết định số 230. 'Chỗ nào mà dân cư không ảnh hưởng tới di sản, phù hợp với cảnh quan thì địa phương sẽ tham vấn chuyên gia rồi xin điều chỉnh quy hoạch, từ đó mới xử lý dứt điểm được các homestay trái phép đang tồn tại. Các chuyên gia UNESCO có sang làm việc về mô hình homestay, họ không có khó khăn gì cả, bởi sinh kế cộng đồng của người dân cũng là một phần của di sản', vị Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình thông tin. 

Theo Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2030, quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích 12.252 ha, trải rộng qua nhiều huyện, thành phố. Trong đó, 6.000 ha vùng lõi được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt, hạn chế và cấm các hoạt động xây dựng.

Theo lịch làm việc dự kiến, chuyên gia UNESCO sẽ tới Việt Nam để kiểm tra các di sản trong Quý cuối cùng của năm 2019. Họ sẽ rà soát lại việc Chính phủ và các địa phương có tuân thủ các cam kết đã đưa ra khi đệ trìnhhồ sơ di sản hay không. Trong số các di sản đã được UNESCO công nhận, Tràng An hiện nay đang là 'điểm' cần được xem xét về sự tuân thủ này.

Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.