Trước thông tin hơn 3.500 tỷ đồng Doanh nghiệp xăng dầu thu được từ chênh lệch thuế xăng dầu, Bộ Tài chính đã nhận sai và sửa lỗi bằng cách điều chỉnh phương pháp tính thuế mới và đã được thủ tướng chấp thuận.
Người tiêu dùng vẫn chờ đợi cách giải quyết công bằng nhưng đến nay chưa Bộ nào đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho người dân. Tuy nhiên, số tiền hàng nghìn tỷ đồng kia vẫn chưa “chốt” được cách xử lý.
Theo một số chuyên gia, số tiền chênh lệch này là do người dân đã phải mua xăng với mức giá cao từ các doanh nghiệp xăng dầu suốt năm 2015 trong khi các DN xăng dầu vẫn hưởng thuế ưu đãi khi nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc. Đây là sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước khi tạo ra một lỗ hổng lớn về chính sách.
Quả bóng trách nhiệm đang được đánh qua, đánh lại trong vụ 3.500 tỷ đồng. Ảnh minh họa.
Trao đổi với Trí thức trẻ, ông Bùi Đức Thụ, Đại biểu Quốc hội - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần truy trách nhiệm rõ ràng việc ban hành văn bản không phù hợp để DN hưởng lợi và truy thu khoản thuế nhập khẩu xăng dầu lên tới 3.500 tỷ kia.
Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã nêu trách nhiệm chủ trì Bộ Công thương trong sự việc gây bất bình này. Trong buổi xuất hiện trên báo chí nói về việc để doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn, ông Thi có nhận sai khi Liên bộ chưa làm tròn trách nhiệm và ông đặc biệt nhấn mạnh, theo Nghị định 83, Bộ Công thương chịu trách nhiệm chủ trì quyết định và công bố việc đó.
Không đồng ý với ý kiến của Bộ Tài Chính, ngày 23/3, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, phê phán thẳng việc Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế “đổ” cho Bộ Công thương.
Tuổi trẻ cho biết, văn bản có nêu rõ, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế khi được phóng viên hỏi trách nhiệm trong việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới đã phát biểu “chưa đúng chức trách, nhiệm vụ của hai Bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu".
Văn bản này có nêu, Bộ Tài chính là cơ quan phải chủ trì vấn đề thuế chứ không phải Bộ Công thương. Bộ này đã làm hết chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 83.
Trong khi Bộ Công thương – Tài chính “chơi đánh bóng chuyền” đổ trách nhiệm sang nhau thì câu hỏi báo chí cũng như người tiêu dùng quan tâm là “Số tiền 3.500 tỷ đồng sẽ giải quyết ra sao” thì hai Bộ lại im lặng, không đề cập đến. Ngoài ra, còn một vấn đề khác cũng được nêu ra là khoản hơn 3.500 tỷ kia ngoài các doanh nghiệp xăng dầu thì còn có ai khác cũng được hưởng lợi không?
Có chuyên gia gợi ý, để tìm ra người chịu trách nhiệm và xử lý có lẽ cần đến một bên thứ ba có thẩm quyền vào cuộc để đưa ra quan điểm khách quan, tìm ra hướng giải quyết hợp lý và công bằng nhất.
A.M (t/h)