Dự án phim “Sen nở Hoàng triều” về Phật Hoàng Trần Nhân Tông

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bộ phim “Sen nở Hoàng triều” về Phật hoàng Trần Nhân Tông đã qua khâu xét duyệt kịch bản, dự kiến khởi quay trong đầu năm 2025. Bộ phim nhằm nêu cao bản sắc văn hóa, tích tụ thành tinh hoa của người Việt thông qua nhân vật chính là Vua Trần Nhân Tông khi Ngài còn trên ngai vàng đến khi Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên Yên Tử tu Phật.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên Yên Tử
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên Yên Tử

Bộ phim “Sen nở Hoàng triều” sẽ dài 3 tập (mỗi tập 90 phút) có phụ đề tiếng Anh, được Ban Văn hóa trung ương Phật Giáo Việt Nam chỉ đạo thực hiện, với sự cố vấn của Giáo sư Lê Mạnh Thát, Thượng tọa – tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ, tiến sĩ Hà Ngọc Anh và được thực hiện bởi nhà biên kịch Đỗ Tài và đạo diễn Xuân Cường – Đỗ Tài.

Ngày Nay xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu sử học Phan Ngọc Dũng, thành viên Ban biên tập “Sen nở Hoàng triều” trước khi bộ phim được bấm máy.

Phật giáo đã hình thành và tồn tại suốt 26 thế kỷ kể từ khi Đức Phật thành tựu dưới cội Bồ Đề. Tinh thần từ bi và trí tuệ của đấng giác ngộ đã chiếu sáng khắp nơi, đóng góp tuệ giác đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khi Phật giáo được truyền đến các nền văn hóa khác nhau, ở mỗi nền văn hóa đó Phật pháp được “hòa quang đồng trần”, tùy duyên mà bất biến theo chân lý giải thoát; mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đã vận dụng chất liệu tỉnh thức giác ngộ mà phụng sự chúng sinh tốt đạo đẹp đời.

Thời kỳ Lý - Trần, nền Phật giáo nước ta phát triển một cách rực rỡ. Trong vô số những bậc tài trí được sinh ra ở thời kỳ đặc biệt này, có một cá nhân vượt trội và để lại rất nhiều dấu ấn trong sử sách đó là Vua Trần Nhân Tông của nước Đại Việt. Với 51 năm trụ thế trải nghiệm đời và đạo song vận, thấm nhuần chân lý được đúc rút từ những lời dạy trí tuệ thậm thâm mà Phật tổ đã truyền trao. Bằng tinh thần Phật giáo nhập thế, Ngài đã vận dụng tâm từ bi và trí tuệ siêu việt ứng dụng tinh thần Bi - Trí - Dũng trong việc tu thân và trị quốc.

Dự án phim “Sen nở Hoàng triều” về Phật Hoàng Trần Nhân Tông ảnh 1

Tại tọa đàm khoa học về nội dung kịch bản phim Sen nở Hoàng triều, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cho rằng: "...Trong chiều dài lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, ít có vị vua nào trong lịch sử dân tộc lại được ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như thế...".

Trong mười bốn năm ở ngôi vua, Trần Nhân Tông đã thể hiện là một vị vua anh minh thần võ với hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, sau đó là quá trình xây dựng lại đất nước thời bình. Đối với các nước lân bang, Vua Trần Nhân Tông luôn thể hiện sự tôn trọng hòa bình, lấy hòa hiếu và sự tương trợ nhau để đối xử. Sau khi xuất gia, Ngài đã thân hành đi khắp nơi dạy dân về nếp sống lục hòa, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

Thời kỳ hậu chiến, Vua Trần Nhân Tông đã cử những vị thân vương giỏi nhất, uy tín nhất như Trần Nhật Duật, thấu hiểu phong tục tập quán vùng biên cương, thân tới tận nơi làm gương úy lạo để thu phục nhân tâm, tránh hiểm họa “nồi da xáo thịt”. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược, trong lễ ban thưởng cho những người có công, Vua không cho mở hòm đựng thư của một số quan lại do quân báo thu được trong cuộc chiến (trong đó có chứa mật thư xin hàng vì sợ thế giặc mạnh) mà cho đốt trước Điện Rồng. Việc làm này đã tránh được cảnh huynh đệ tương tàn, không gây thêm thù oán sau chiến tranh, tạo được lòng tin và sự kính trọng của quân dân đối với một vị Hoàng đế anh minh, khoan dung độ lượng, tạo nên ân đức, âm thầm khắc cốt ghi tâm của những người được tha thứ lầm lỗi không bị tai tiếng phản vua hại nước. Vì thế mà tất cả hết lòng phò Vua giúp nước thái bình thịnh thế.

Với tư cách như là một giáo chủ của Thiền tông Đại Việt, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã có chuyến vân du ngoại giao đầu tiên trong lịch sử nước Việt khi ở lại gần 9 tháng tại thành Phật Thệ (Đồ Bàn) của Chiêm Thành. Đây rõ ràng là một chuyến thăm mang tính biểu tượng đề cao tinh thần người Việt là yêu chuộng hòa bình, hợp tác tôn trọng lẫn nhau và đưa tư tưởng của Phật giáo vào công cuộc trị quốc mang lại hòa bình cho muôn nơi. Dự án Sen nở Hoàng triều của nhà biên kịch Đỗ Tài, đạo diễn Xuân Cường - Đỗ Tài sẽ tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp sáng chói của Trần Nhân Tông bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại về một vĩ nhân, một bậc thầy ngoại giao mà tư tưởng đối ngoại của Ngài vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.

Hơn ai hết Vua Trần Nhân Tông nhận ra rằng: Bản chất cốt yếu của chiến tranh là xuất phát từ lòng tham và tâm sân si của tự thân con người. Và sau đó tám năm xuất gia tu tập – hoằng pháp, Ngài giúp con người chuyển hóa lục căn không bị cám dỗ bởi lục trần, không vướng mắc vào ngoại cảnh. Vạn vật đều do nhân duyên giả hợp mà thành, không có một bản thể cố định, cuộc sống và vạn vật đều bị chi phối bởi vô thường, khổ không và vô ngã. Trúc Lâm đã nối tiếp thắp sáng ngọn đuốc Như Lai dẫn dắt chúng sanh thể nghiệm và chứng thực đến một tầng tư duy mới: tâm hỉ xả, hạnh bao dung, tâm từ bi trí tuệ và thân khẩu ý trong sạch.

Pháp tu Thiền, tư tưởng “Phật tại tâm” và chủ thuyết “Cư Trần Lạc Đạo” của Ngài là con đường hạnh phúc, đạo và đời đồng hành cùng dân tộc, là giá trị di sản văn hóa phi vật thể, là lẽ sống đẹp Chân Thiện Mỹ. Vua Trần Nhân Tông đã tích đức, lập công và dẫn ngôn một cách trọn vẹn.

Dự án phim “Sen nở Hoàng triều” về Phật Hoàng Trần Nhân Tông ảnh 2

Đoàn làm phim Sen nở Hoàng triều

Phật giáo đời Trần đã giúp dân tộc chuyển hóa thân tâm,“đoàn kết tuệ giác Phật” - đại đoàn kết toàn quân toàn dân, tập trung tiềm lực dân tộc dựng nước và giữ nước; “hợp tác tuệ giác Phật vươn tới hòa bình thế giới và phát triển bền vững” lợi lạc nhân sinh. “Làm vua cứu nước, làm Phật cứu muôn loài” là suy nghĩ vượt thời đại của Vua Trần Nhân Tông.

Vua Trần Nhân Tông - đóa Sen trong triều Trần nước Đại Việt xưa; khát vọng duy nhất của Ngài là mong cầu Chánh pháp, bứt mình ra khỏi sự phiền tạp trong cuộc đời, để bước vào dòng thánh đạo, một con người đã tự thay đổi mình bằng con đường trí tuệ, đạo hạnh và thắp sáng mãi con đường Phật đạo. Tư tưởng của Đức vua Trần Nhân Tông không những là di sản quí báu trong lịch sử dân tộc mà còn là di sản hiếm hoi trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới.

Đến nay, dù đã hơn 700 năm trôi qua kể từ khi Vua Trần Nhân Tông giã từ cõi Ta Bà nhập Niết Bàn nhưng cuộc đời rất đặc biệt và các tư tưởng vĩ đại của bậc giác ngộ hiền triết vẫn còn là ngọn “Đuốc Tuệ” mãi bừng sáng trong lòng nhân dân Việt Nam. Hậu thế chúng ta đã kính trọng suy tôn Ngài với tôn vị “Phật Hoàng”, nhân dân Việt Nam tự hào và thế giới tôn kính ngưỡng mộ. Phật Hoàng Trần Nhân Tông vĩnh viễn trường tồn với thời gian, danh thơm ngào ngạt trong tâm hồn thời đại hôm nay.

Dự án phim “Sen nở Hoàng triều” là tác phẩm mang đậm tính sử thi, khúc hùng tráng ca của dân tộc, nhằm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một thông điệp về tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình và tư tưởng giải thoát. Đồng cảm với dự án phim “Sen nở Hoàng triều” giới nghiên cứu học thuật và những nhà điện ảnh cho biết: “Phim về Phật hoàng Trần Nhân Tông thể hiện được vẻ đẹp tinh khiết và đậm đà bản sắc của văn hóa và con người Việt, tích tụ thành tinh hoa trong phim “Sen nở Hoàng triều".

Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Phật Giáo Việt Nam


Kịch bản phim “Sen nở Hoàng triều” - cho thấy công lao to lớn của Vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc Việt Nam, cả đời lẫn đạo. Đây là câu chuyện Phật Pháp đặc biệt riêng của người Việt, là hình ảnh người anh hùng dân tộc, chúng ta rất cần truyền thông bằng phương tiện điện ảnh để chuyển tải những giá trị văn hóa phi vật thể đến với công chúng một cách sống động hơn. Với chủ trương thực hiện dự án của Ban văn hóa trung ương Phật giáo Việt Nam - cùng những trải nghiệm về điện ảnh Phật giáo sẵn có của Nhà biên kịch - đạo diễn Đỗ Tài và ekip sản xuất phim ASOKA. Chúng ta tin rằng sẽ làm nên một giá trị mới đóng góp cho cộng đồng.

Giáo sư Lê Mạnh Thát, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh


Xét trên phạm vi toàn cầu thời Cổ - Trung đại, những vị vua có thể lập công, lập đức và lập ngôn thì không nhiều lắm. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - vị vua thứ 3 thời nhà Trần của Việt Nam hội tụ đầy đủ ba đức lớn đó. Tiêu biểu là xây dựng một đất nước Đại Việt thanh bình thịnh trị hùng cường, bá tánh an cư lạc nghiệp, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sanh. Kịch bản “Sen nở Hoàng triều” của nhà biên kịch Đỗ Tài tái hiện sinh động công nghiệp vĩ đại của Phật hoàng Trần Nhân Tông trên cả hai phương diện: đời và đạo, là một ý tưởng hay và có ý nghĩa thực tiễn cao. Mong rằng ý tưởng đẹp này được hiện thực hóa trong tương lai gần.

Thượng tọa - tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.