Dưới bóng giai nhân: Cảm tác thành công từ truyện Kiều!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vở kịch “Dưới bóng giai nhân” (kịch bản và đạo diễn Quang Thảo) được cảm tác từ Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, là dự án nghệ thuật lớn nhất năm 2024 của sân khấu Idecaf, sẽ ra mắt công chúng tại Nhà hát Bến Thành, quận 1, TPHCM vào đầu tháng 12/2024.

Trước khi vở ra mắt, có nhiều ý kiến lo ngại rằng Quang Thảo sẽ làm mất đi vẻ đẹp của cốt truyện gốc. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong ngày phúc khảo (12/11) “Dưới bóng giai nhân” cho thấy đạo diễn đã kể lại một câu chuyện cảm động và có những nét sáng tạo rất đáng được ghi nhận.

Dưới bóng giai nhân: Cảm tác thành công từ truyện Kiều! ảnh 1
Trong cơn cuồng ghen điên loạn, Hoạn Thư đã cởi đồ mình và Thúy Kiều, bắt nàng Kiều chỉ cho kỹ năng ái ân thu hút đàn ông của gái lầu xanh. Ảnh: Nguyễn Huy

Góc nhìn mới

Hầu như tất cả các tác phẩm nghệ thuật sân khấu hay điện ảnh được chuyển thể từ danh tác văn học đều bị so sánh với tác phẩm gốc. Đó là tâm lý tự nhiên của khán giả vì sự tò mò phiên bản khác sẽ như thế nào so với cái đặc sắc mà họ đã biết. Tâm lý này thường tạo ra một áp lực rất lớn cho tác giả và đạo diễn, bởi nếu làm không hay bằng tác phẩm gốc xem như khó được công nhận. Còn làm dở hơn một chút thì xem như thất bại. Quang Thảo hiểu điều đó nên anh đã tìm ra cách lý giải mới, và chính nét mới này sẽ giúp cho vở diễn của anh giảm bớt sự so sánh từ công chúng. Thứ nữa, ngôn ngữ sân khấu cũng có nhiều cách thể nghiệm để không bị xem là minh họa cho Truyện Kiều vốn dĩ đã quá quen thuộc.

Quang Thảo đã cảm thông hơn với số phận các nhân vật. Trước tiên nói về Hoạn Thư (diễn viên Thanh Thủy), người đàn bà này cũng có máu ghen lồng lộn. Nhưng nếu như Hoạn Thư trong tác phẩm gốc đã hành hạ, đánh đập nàng Kiều một cách ghê gớm, thì Hoạn Thư của Quang Thảo không tự tay đánh đập Kiều một lần nào. Thay vào đó, Hoạn Thư thử thách tấm lòng của Thúc Sinh (Công Danh) khi để chồng mình đối mặt mà cầm roi đánh Thúy Kiều (Hồng Ánh).

Hoạn Thư có lòng tự tôn của một tiểu thư con quan đại thần, nhưng cũng sẵn sàng tự chuốc vào mình tiếng oan “gái độc không con” để chồng khỏi mang tiếng vô sinh tuyệt tự. Điều Hoạn Thư đau đớn nhất là được cha mẹ chỉ dạy cho chuẩn mực đàn bà ở công dung ngôn hạnh, trong khi chồng của nàng thèm khát tình ái nồng nàn. Trong cơn điên loạn mất kiểm soát, Hoạn Thư đã lột quần áo của mình và của Thúy Kiều, gào lên rằng: “Hãy chỉ cho ta cách chiều chồng bằng kỹ năng ái ân của gái lầu xanh”.

Dưới bóng giai nhân: Cảm tác thành công từ truyện Kiều! ảnh 2
Một cảnh trong vở Dưới bóng giai nhân.

Quang Thảo đã lý giải thêm, Hoạn Thư đâu chỉ thiếu kỹ năng giường chiếu mà còn thiếu cả việc thấu hiểu tâm lý đàn ông. Dựa vào gia thế, Hoạn Thư đã cư xử trên cơ Thúc Sinh, điều này khiến người chồng cảm thấy nhỏ bé và bất lực trước vợ. Khi vào chốn lầu xanh gặp Kiều, nàng dịu dàng, ngoan ngoãn, dựa dẫm khiến Thúc Sinh sung sướng vì thấy mình được tôn trọng. Xem ra nỗi đau khổ của Hoạn Thư cũng rất gần với phụ nữ ở nhiều gia đình trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Sự sáng tạo trong thân phận các nhân vật của Quang Thảo có làm khác đi so với bản gốc, nhưng thực sự hợp lý và người xem nhận ra nỗi đau đàn bà rất đời.

Trong câu chuyện của mình, Quang Thảo lược bớt số phận nhân vật của Thúy Vân và Kim Trọng nhưng ý nghĩa của nó vẫn đầy đặn. Anh thêm vào nhân vật Khương Cẩu (Trịnh Minh Dũng) để làm rõ hơn mưu sâu kế độc của Hồ Tôn Hiến (Đình Toàn). Đây là những yếu tố thêm vào nhưng đã tạo nên kịch tính, mới mẽ cho truyện thơ vốn đã được nhiều thế hệ thuộc lòng.

Mỗi vai diễn đều hay

Thông thường một vở kịch có chừng 5-6 cảnh thì “Dưới bóng giai nhân” có đến 14 cảnh khác nhau. Cảnh trí được thiết kế đẹp mắt và có sự liên kết ý nghĩa chặt chẽ. Riêng yếu tố này cũng thấy được sự sáng tạo đầy nỗ lực của họa sĩ thiết kế Lê Quang Định và đạo diễn Quang Thảo. Phục trang bắt mắt, vũ đạo đẹp, âm nhạc du dương chấm phá âm hưởng ngũ cung cộng hưởng tốt vào cảm xúc người xem.

Dưới bóng giai nhân: Cảm tác thành công từ truyện Kiều! ảnh 3

NSƯT Đại Nghĩa rất oai dũng trong vai Từ Hải.

Nhưng điều đáng nói ở đây là sự chọn lựa những diễn viên quen thuộc vào tính cách nhân vật xa lạ với những gì họ đã thể hiện lâu nay, tuy vậy lối diễn xuất vẫn thuyết phục khán giả. Hoàng Trinh vốn dĩ rất quen với các vai hiền lành, nhu mì được giao vai tú bà Liễu Thu lẳng lơ và đanh đá. Thanh Thủy mạnh tính cách đào thương lại nhận vai Hoạn Thư cuồng ghen. Vậy nhưng, cả hai nhân vật gai góc kể trên đều có độ lắng sâu của nỗi đau thân phận đàn bà, đằng sau giây phút ghê gớm, họ trở nên đáng thương và rất người. Thanh Thủy và Hoàng Trinh đã diễn xuất thần tính cách mới lạ.

Nhân vật Đạm Tiên (Mỹ Duyên) với nhiều đất diễn cũng là sự sáng tạo của Quang Thảo. NSƯT Mỹ Duyên xuất hiện liên tục như chiếc bóng số phận của Thúy Kiều, và chị đã diễn giàu cảm xúc. Có vẻ như vai diễn này không quá thách thức chị. NSƯT Đại Nghĩa bình thường rất hài hước, trào lộng thì vào vai Từ Hải rất oai phong dũng tướng. Lối thoại gằn giọng, điệu bộ và ánh mắt của Đại Nghĩa đúng là của Từ Hải trong tâm tưởng nhiều người.

Đình Toàn lột tả được tính cách của một lão quan đa mưu túc trí qua lối diễn xuất điềm đạm, chậm rãi mà có điểm nhấn trong từng lời thoại và ngôn ngữ cơ thể. Công Danh tròn vai với Thúc Sinh. Vai Ni sư cũng không phải là thách thức đối với NSƯT Diệu Đức. Sự xuất hiện của Tuyền Mập vai Bạc Bà, NSƯT Bạch Long vai Bạc Hạnh, Trịnh Minh Dũng vai Khương Cẩu tạo nên nụ cười làm giãn bớt bi kịch nối tiếp của thân phận nàng Kiều.

Dưới bóng giai nhân: Cảm tác thành công từ truyện Kiều! ảnh 4
Đình Toàn (trái) sâu lắng trong vai Hồ Tôn Hiến.

Sau cùng là Thúy Kiều của Hồng Ánh. Hồng Ánh vốn có thân hình cân đối nhưng hình ảnh của chị trong vai Thúy Kiều có vẻ mong manh hơn so với trước đây. Điều này trước tiên tạo nên sự nữ tính và số phận như khói sương yếu ớt dễ dàng bị tan biến trước giông tố cuộc đời. Hình thể của nàng cũng giúp cho việc vũ đạo, hành động liên tục trên sân khấu suốt 11 cảnh trở nên nhẹ nhàng, linh hoạt hơn. Hồng Ánh mạnh về diễn xuất nội tâm và trong vai Kiều đã lột tả được nỗi đau và nỗi buồn trong ánh mắt. Quả đúng như Hồng Ánh đã phát biểu đây là vai diễn sân khấu lạ nhất của chị từ trước đến nay. Và Hồng Ánh đã thành công.

TIN LIÊN QUAN
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.