Dòng kịch kén người xem tưởng đã lụi tàn nhưng lại hồi sinh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng sân khấu kịch ở TPHCM vẫn diễn ra sôi động. Nhìn vào thực tế, thể loại kịch hài, giới tính hay kinh dị vẫn thu hút đông đảo khán giả trẻ. Bên cạnh đó, thể loại kịch tâm lý, thậm chí triết lý và mang yếu tố văn học tưởng chừng như không bán được vé cũng có sức hút đầy bất ngờ.

Thành công từ những vở Chuyến đò định mệnh của sân khấu Thiên Đăng, Cơn mê cuối cùng của sân khấu Hoàng Thái Thanh, Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử của Idecaf là minh chứng cho nhận định đó. Mới đây, Idecaf công bố kịch bản Dưới bóng giai nhân, được cảm tác từ truyện Kiều, đây là dự án có số tiền đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của sân khấu danh tiếng này.

Dòng kịch kén người xem tưởng đã lụi tàn nhưng lại hồi sinh ảnh 1
Chuyến đò định mệnh (tác giả Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc) đậm tính triết lý vẫn cháy vé.

Từ kịch tâm lý

Ngày nay, các ông bà bầu sân khấu rất đau đầu trong việc đo lường gu thưởng thức của khán giả. Dẫu không nói ra nhưng ai cũng muốn bán được nhiều vé mới có khả năng duy trì hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, đa số khán giả trẻ thích tình huống phản ánh xu hướng đang diễn ra trong đời sống theo kiểu vui cười, dễ hiểu. Các miếng hài trái khoáy dẫu không có thông điệp ý nghĩa thâm sâu nhưng vui là được. Từ lẽ đó, những ông bà bầu muốn dàn dựng kịch tâm lý có chiều sâu theo phong cách kịch sân khấu nhỏ 5B một thời, hay về sau một chút là Idecaf phải đặt lên bàn cân giữa tính nghệ thuật hàn lâm và kịch giải trí. Đa số chọn phong cách kịch dễ bán vé.

Thế nhưng, vẫn còn sân khấu chấp nhận mạo hiểm, rủi ro doanh thu phòng vé khi tập trung dàn dựng kịch buộc người xem phải dành thời gian suy ngẫm mới thấy hết được vẻ đẹp mà đạo diễn muốn gửi gắm. Thật mừng, trong năm 2024, thể loại kịch này đã đạt được thành công bất ngờ, ngoài dự đoán. Sân khấu 5B đã quay lại với kịch tâm lý từ cuối năm 2023 và vẫn còn tiếp tục với dòng kịch này. Bà bầu NSND Mỹ Uyên đã tìm lại các kịch bản hay một thời để tái dựng và gặt hái hiệu quả khả quan. Những vở như Bến lửa lòng, Đêm vượn hú, Tình lá diêu bông, Tiếng chim vườn ngọc lan đã thu hút sự quan tâm của công chúng.

Nếu nói về việc bán vé tốt với dòng kịch tâm lý, Hoàng Thái Thanh là đơn vị phải kể đến đầu tiên trong việc nỗ lực để tồn tại. Sự thay đổi phương thức hoạt động giúp lượng vé bán ra đã tốt hơn trước. Từ ngày đầu thành lập cho đến nay, ông bà bầu Ái Như – Thành Hội chỉ dựng kịch tâm lý, kịch văn học. Dẫu phải chấp nhận bù lỗ nhưng đơn vị này vẫn “chịu đấm ăn xôi” theo đuổi hướng đi mình vạch ra. Gần đây, để tạo thuận lợi hơn trong hoạt động, Hoàng Thái Thanh đã chuyển sang diễn kịch theo mùa, thay vì diễn suốt năm một vở. Sự chuyển đổi này phát huy hiệu quả. Lượng khán giả tăng lên. Gần nhất, vở Cơn mê cuối cùng (tác giả Ngọc Linh, đạo diễn Ái Như) đã cháy vé liên tục. Nửa đời hương phấn (nguyên tác cải lương Hà Triều Hoa Phượng, chuyển thể kịch Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) cũng được chào đón nồng nhiệt.

Dòng kịch kén người xem tưởng đã lụi tàn nhưng lại hồi sinh ảnh 2
Diễn viên Đại Nghĩa trong trong vai Huỳnh Công Lý vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử cháy vé bất ngờ.

Điều bất ngờ lớn nhất thuộc về sân khấu Idecaf. Vở kịch lịch sử Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) liên tục cháy vé trong suốt một tháng. Khi chấp nhận đưa vở lên sàn tập, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thầm nguyện đây là tác phẩm tri ân tiền nhân chứ không mơ mộng việc bán được vé. Thế nên, khi thấy lượng khán giả ủng hộ quá nhiệt tình, anh đã nhận ra rằng dòng kịch nào cũng thu hút người xem nếu biết kể chuyện một cách hấp dẫn.

Từ thành công này, Idecaf tấn tới bằng kịch bản chuyển thể từ truyện Kiều với tên gọi Dưới bóng giai nhân (tác giả Quang Thảo cảm tác từ truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du). Tác giả đã xử lý tình huống theo cách nhìn mới mẻ, kể câu chuyện theo một hướng khác với những gì đã quen thuộc của thân phận nàng Kiều. Đây được xem là dự án bom tấn của Idecaf.

Đến kịch triết lý

Đâu đó, trong nghệ thuật nói chung và sân khấu kịch nói riêng luôn có những tác phẩm mà khán giả xem cảm nhận được cái hay nhưng không dễ miêu tả cái độc đáo của nó thành ngôn từ, hoặc giả họ không thực sự hiểu hết tầng nấc ý nghĩa sâu sắc nhất nhưng vẫn bị lôi cuốn vào câu chuyện. Trường hợp này xảy ra với vở Chuyến đò định mệnh (kịch bản Nguyễn Huy Thiệp, chuyển thể từ chính truyện ngắn Sang sông của ông, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc) ra mắt tại sân khấu Thiên Đăng.

Dòng kịch kén người xem tưởng đã lụi tàn nhưng lại hồi sinh ảnh 3
Diễn viên Trí Quang trong vở Cơn mê cuối cùng lấy nước mắt người xem.

Nguyễn Huy Thiệp nổi tiếng với những ý tưởng thâm sâu nhiều tầng nghĩa. Ông thường mượn chuyện này để nói về chuyện khác mà một người cần vốn sống, trải nghiệm mới hiểu hết. Trong Chuyến đò định mệnh ông lấy cái tứ một nhóm người đi từ bên này sông sang bên kia bến Phù Vân. Hai chữ Phù Vân, với ai am tường đạo Phật sẽ hiểu cái giả tạm của kiếp người. Nhóm người sang sông mang theo đủ thứ tham sân si để mãi mãi chìm đắm trong u mê.

Cái hay của vở Chuyến đò định mệnh tại Thiên Đăng là đã mềm hóa một kịch bản triết lý. Những ai nghiên cứu sâu về Phật pháp sẽ cảm nhận được triết luận sâu xa của nó và sẽ nhanh chóng tâm đắc. Có người không hiểu tất cả những gì tác giả muốn nói nhưng cũng cảm thấy vở diễn có một sức hấp dẫn kỳ lạ nào đó. Có thể đó là cảnh trí đẹp, có thể đó là những câu nói hay trong rất nhiều câu nói hay, cũng có thể đó là một tình huống hài hước thú vị. Đây chính là một nét đặc biệt của kịch mục mới nhất của sân khấu Thiên Đăng. Vở diễn này vẫn đang rất cháy vé.

Trước đó, cũng tại Thiên Đăng, vở Những con ma nhà hát do tác giả Lê Hoàng cảm tác từ Bóng ma trong nhà hát của Gaston Leroux. Đạo diễn NSƯT Thành Lộc đã có cách dàn dựng đầy ẩn dụ thông qua những bóng ma không xuất hiện, để nói lên rằng nghệ thuật tử tế ngày nay đã chết. Những người làm nghệ thuật giàu tính triết lý đã chết, những khán giả xem nghệ thuật hàn lâm đã chết. Thay vào đó là những vở kịch rẻ tiền với những chiêu trò rẻ tiền chiều theo thị hiếu một bộ phận khán giả có tiền nhưng thiếu kiến thức. Một vở diễn khô khan nhưng được lồng ghép vào tình huống ly kỳ, kinh dị gây tò mò đã nhận được phản hồi tích cực.

Dòng kịch kén người xem tưởng đã lụi tàn nhưng lại hồi sinh ảnh 4
Nghệ sĩ Thanh Thủy lần đầu tiên hóa thân vào nhân vật Hoạn Thư cuồng ghen trong Dưới bóng giai nhân, một tính cách lạ lẫm với chị.

Sắp tới đây, tại TPHCM xuất hiện thêm một sân khấu chuyên dòng kịch tâm lý với những kịch bản có chiều sâu nội dung. Đó là sân khấu Trăng do đạo diễn Minh Nguyệt sáng lập. Chị là tác giả và đạo diễn vở kịch Tiếng chim vườn ngọc lan vang bóng một thời, khi tái dựng vào giữa năm 2024 cũng nhận được phản hồi vô cùng tích cực. Như vậy là bất chấp thể loại kịch trên mạng xã hội như Tiktok chọc cười hời hợt đang được giới trẻ ưa chuộng, dòng kịch kén khán giả vẫn có một sức sống bền bỉ, tưởng lụi tàn nhưng nay đã hồi sinh.

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.