Vở kịch “Chiếc đồng hồ”: Câu chuyện thêu dệt từ những giá trị của thời gian

(Ngày Nay) - Vừa qua, chương trình chào tân sinh viên Spotlight 2024 - Temporal Tapestry đã đem đến cho các bạn sinh viên một vở kịch ý nghĩa ngay trong đêm đại nhạc hội diễn ra tại hội trường lớn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Với cách khai thác độc đáo cùng thông điệp nhân văn, vở kịch đã thành công chạm đến trái tim người xem.
Các nhân vật trong vở kịch “Chiếc đồng hồ”.
Các nhân vật trong vở kịch “Chiếc đồng hồ”.

Spotlight là sự kiện chào tân thường niên của khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc đồng hồ và hình tượng chú “Nghê” tượng trưng cho các bạn tân sinh viên trên hành trình trưởng thành và khẳng định cá tính bản thân. Chủ đề “Temporal Tapestry” năm nay mang đến một trải nghiệm thời gian tuyệt đẹp cũng chính là gợi nhắc về những giá trị đích thực của thời gian mà các bạn sinh viên cần trân trọng.

Sau chuỗi sự kiện đồng hành sôi động như “Đồng hồ kể chuyện”, “Chạm sắc”, đêm nhạc hội Spotlight 2024 đã chính thức diễn ra với hàng loạt tiết mục đặc sắc. Và Kịch Báo chí - “đặc sản” chỉ có tại trường Báo đã thổi bùng không khí đêm nhạc. Với tình tiết hấp dẫn, nét diễn duyên dáng kết hợp lồng ghép nội dung bắt kịp xu hướng, vở kịch đã khiến các bạn sinh viên không khỏi thích thú và chăm chú theo dõi.

Vở kịch “Chiếc đồng hồ”: Câu chuyện thêu dệt từ những giá trị của thời gian ảnh 1

“Chiếc đồng hồ” đã thu hút sự quan tâm, tò mò của đông đảo sinh viên ngay từ khi tung ra poster.

Vở kịch “Chiếc đồng hồ” trong đêm nhạc là câu chuyện hài hòa của dòng thời gian giữa hiện tại và hồi tưởng quá khứ. Đó cũng chính là câu chuyện của ông Đồng - một ông bố đơn thân mưu sinh bằng nghề sửa đồng hồ đang có tình cảm với “bé” Đào - chủ quán trà đá ngay bên cạnh. Sau nhiều ngày trăn trở, ông quyết định dành tặng một món quà đặc biệt kỷ niệm cho bà Đào. Quà chưa đến tay đã bị Lướt - con trai ông Đồng phát hiện.

Vở kịch “Chiếc đồng hồ”: Câu chuyện thêu dệt từ những giá trị của thời gian ảnh 2
Lướt có cuộc sống xa cách với bố, chỉ ăn chơi lêu lổng, phá phách.

Lướt tỏ ra vô cùng tức giận khi thấy bố dùng chiếc đồng hồ làm quà cho người phụ nữ xa lạ. Gặp lại bố, Lướt bày tỏ hoàn cảnh khó khăn của bản thân và ngỏ ý muốn ông Đồng bán chiếc đồng hồ đó để tiếp tục trang trải cuộc sống của hai bố con. Đứng trước lý trí và cảm xúc, trước khó khăn của con và kỷ vật quý giá, ông Đồng lựa chọn không bán chiếc đồng hồ. Do bất đồng ý kiến nên trong lúc giằng co với ông Đồng, Lướt đã vô tình làm vỡ kỷ vật quý giá. Đồng hồ từ đó mở ra thước phim ngược về quá khứ, gợi mở những bí mật đằng sau giá trị vô giá được ẩn giấu.

Vở kịch “Chiếc đồng hồ”: Câu chuyện thêu dệt từ những giá trị của thời gian ảnh 3
Lướt đã phá hỏng chiếc đồng hồ khi nghe tin bố muốn giữ lại.

Đối với Lướt, đồng hồ chỉ là thứ mà ông Đồng luôn cất giữ cẩn thận nhưng đối với ông Đồng, đó còn là kỷ vật của người Đồng để lại trước khi hy sinh trên chiến trường. Chiếc đồng hồ không chỉ là minh chứng cho tình yêu giữa hai thế hệ mà còn là đại diện cho sợi dây gắn kết thời gian và không gian.

Đứng trước sự quay ngược thời gian để tìm về giá trị đích thực, Lướt đã biết được câu chuyện đằng sau món đồ cũ kĩ và bộc bạch những suy tư của cậu. Cậu nhận ra tình cảm gắn bó giữa 2 thế hệ bố - con, đó cũng là điều mà ông Đồng luôn cố gắng bù đắp cho Lướt như cách ông đã nhận được tình yêu của bố. Ở hồi kết của vở kịch, Lướt đã ngỏ lời mời bà Đào về sống với bố mình và hứa hẹn sẽ đưa hai ông bà đi du lịch nhiều nơi. Nút thắt trong lòng Lướt đã được gỡ mở, từ một cậu bé sống ích kỷ, chôn vùi mình trong quá khứ, Lướt đã nhìn nhận ra thực tại để biết trân trọng thời gian, trân trọng tình cảm gia đình.

Vở kịch “Chiếc đồng hồ”: Câu chuyện thêu dệt từ những giá trị của thời gian ảnh 4
Ông Đồng - Lướt - Bà Đào trao nhau những cái ôm trìu mến, mở ra kết thúc có hậu cho vở kịch.

Vở kịch đã tái hiện sinh động dòng thời gian từ hiện tại trở về quá khứ rồi quay lại hiện tại, không chỉ là một hoài niệm đáng nhớ với Lướt mà cũng chính là những khoảnh khắc quý giá để các bạn sinh viên hiểu được hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, cực khổ của ông cha ta. Thông qua vở kịch, Ban Tổ chức mong muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu gia đình, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước; biết trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống.

Đằng sau sự thành công của vở kịch ngắn “Chiếc đồng hồ”, đội ngũ Ban Tổ chức đã dành nhiều thời gian, công sức đầu tư từ khâu lên kịch bản đến tuyển chọn diễn viên. Bạn Khả Minh - Trưởng đội Kịch chia sẻ, bạn lên ý tưởng cho vở kịch này vào đúng ngày Quốc Khánh Việt Nam 02/09. Do đó, bạn đã lồng ghép thêm các yếu tố để gợi mở ra tình yêu đất nước và đó cũng là điều mà vở kịch hôm nay muốn truyền tải đến mọi người. Chúng ta cần phải trân trọng những gì mình đang có, gìn giữ nét đẹp giao thoa giữa văn hóa và thời gian.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).