Đó là hoàn cảnh đáng thương của cụ Nguyễn Thị Tồn (82 tuổi), có hai người con trai đang tàn tật là Phạm Cu (52 tuổi) và Phạm Thiên (50 tuổi).
Số phận cùng cực
Trời chập tối, cũng là lúc cụ Tồn đi bán rau về. Bước vào ngôi nhà nhỏ nằm ở 44/2 đường Phan Trọng Tịnh (phường Hương Long, TP Huế), thật không khỏi xót xa khi chứng kiến gia cảnh ngặt nghèo của ba mẹ con. Hai người con trai của cụ ngồi ngơ ngác, thỉnh thoảng lại nhìn nhau cười trong nỗi đau của người mẹ già. Khi được hỏi về gia cảnh, cụ lắc đầu thở dài, ngồi thẫn thờ rồi bỗng nhiên nước mắt cụ lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Gắng đưa đôi tay chai sạn để lau khô mặt, cụ lấy bó rau muống tranh thủ ngồi nhặt và bồi hồi kể về cuộc đời mình.
Từ lúc lấy chồng, cụ sinh được năm người con. Hai con đầu là anh Cu và anh Tiên đã khờ, bại tay, bại chân. Con thứ ba vì lang thang cùng cụ nên dần ốm yếu và bại liệt, lại bị bệnh thận hư. Chỉ có cô con gái và cậu út là bình thường.
Đã hơn 40 năm kể từ khi hạ sinh đứa con trai út, vì nhiều lý do khác nhau, người chồng đã tàn nhẫn bỏ cụ để theo người khác. Rồi sau đó, mấy mẹ con cũng bị mẹ chồng hắt hủi, đuổi đi. Không muốn phụ thuộc, cụ quyết định dẫn các con lang thang khắp nơi kiếm sống.
Bà Tồn cặm cụi kiếm sống nuôi con bằng những mớ rau |
Cụ nhớ lại, lúc thì ăn xin tại các chợ ở Huế rồi ngủ lại chợ, có lúc vào tận Đà Nẵng để gánh hàng thuê kiếm cơm nuôi con. Tối đến, mấy mẹ con lấy ga Đà Nẵng làm nơi trú ngụ. Trong lúc đi gánh hàng, cô con gái duy nhất bị xe tông và gãy chân. Ở nơi đất khách quê người, cụ dường như vào bước đường cùng khi không có tiền điều trị cho con, phải nhờ một số người tốt bụng giúp đỡ.
Một thời gian sau, mấy mẹ con lại ra Huế và tiếp tục đi ăn xin. Tối đến, cụ trải bạt, dựng lều ở một miếng đất nằm gần nhà mẹ chồng để cùng các con trú qua đêm. Vào khoảng 5 năm trước, nhờ các nhà hảo tâm biết đến hoàn cảnh và ủng hộ, mẹ con cụ được xây cho một căn nhà tình thương nhỏ. Có nơi trú ngụ, cụ Tồn trở nên an tâm phần nào.
Tưởng như số phận gia đình tươi sáng lên khi cô con gái duy nhất dù bị bại liệt nhưng vẫn lấy chồng, cậu con trai út cũng kiếm được vợ. Nhưng xót thay, anh con út trong một lần đi làm thợ hồ thì bị tai nạn chấn thương vào đầu, mất dần sức lao động. Anh con rể thì mắc bệnh rồi cũng trở nên tàn tật như hai người con của cụ Tồn. Cô con gái, dù khó khăn khi chồng mang bệnh tật nhưng vẫn cố giúp mẹ nuôi thêm em trai bị bại liệt hai chân. Còn lại anh Cu và anh Tiên vẫn ở với người mẹ già.
Bán rau nuôi con
Ở tuổi 82, người mẹ già trở thành lao động chính, trụ cột trong gia đình. Để săn sóc cho hai người con bị bại liệt, hằng ngày, cụ phải đi bán rau. Khắp các đoạn đường, con hẻm trong Đại nội Huế, không có nơi nào là cụ không có mặt, dù ngày nắng gắt hay mưa to. Sáng sớm, khi gà còn chưa gáy, khi mọi người còn đang lâng lâng trong giấc ngủ thì cụ đã lọ mọ, bước tập tễnh với gánh rau trên đường. Đến tối cụ mới về nhà, rồi nấu cơm cho hai con. Có khi bán không hết, cụ gắng đến khuya mới lò dò về.
Ngày qua ngày, cụ Tồn phải đi bộ hàng chục cây số. Tuổi cao sức yếu, cứ qua một ngày là đôi chân của cụ sưng to lên và chai sạn. “Khi chân nó chai thì tôi lấy dao gọt nó đi để khỏi đau. Chân tôi chừ chai lắm, tôi hay nói giỡn với mấy đứa nhỏ là dù nước sôi có luộc đến 10 lần cũng không chín chân tôi...”, cụ nói hồn nhiên và cười như không hề có gì phải lo.
Dù mỗi ngày chỉ kiếm được ít ỏi vài chục ngàn, nhưng đối với cụ, số tiền đó là rất lớn. Thỉnh thoảng, có người mua rau rồi cho cụ thêm ít tiền, người cho vài con cá, người cho ít lon gạo giúp cụ có thêm được phần nào.
Đang ngồi lượm rau cùng các con, cụ lại trải lòng: “Giờ tôi cũng đã già rồi, không bán rau mãi được. Chỉ lo cho 2 đứa nó. Sau này ốm yếu, 2 đứa không ai nuôi chắc gửi vào nhà chùa nào đó để họ chăm sóc hộ thôi...”. Nói xong, đôi mắt cụ rưng rưng.
Người mẹ đã già, chân tay đã run, lưng đã còng, tóc thì bạc trắng dần nhưng vẫn phải long đong lận đận vì các con, khiến nhiều không khỏi khâm phục và chua xót.
Chị Phan Thị Xuân, là con dâu của cụ chia sẻ: “Số phận của mẹ và gia đình thật khổ, giờ già rồi mà mẹ cũng phải lo toan cho hai anh tàn tật. Căn nhà tình thương của mẹ bữa nay cũng dần xuống cấp, hay dột ướt. Có lần mẹ ngã do nước mưa vào dẫn đến trơn trượt, mình thấy lo hơn và thường tranh thủ qua ở với mẹ vào giờ tối...”.
Ông Võ Quý Tiến, Chủ tịch UBND phường Hương Long (TP Huế) cho biết gia cảnh cụ Tồn thuộc diện khó khăn nhất trong phường. Thời gian qua, chính quyền địa phương và bà con thôn xóm cũng giúp đỡ ít nhiều cho cụ nhưng vẫn không đủ, rất có nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn nữa để ba mẹ con có cuộc sống ổn định hơn”.