Tư tưởng của thuyết cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) - gọi là ngũ hành đã xâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của các dân tộc phương Đông, trong đó có người Việt. Mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán chính là một trong những biểu hiện rõ nét của sự ảnh hưởng đó.
Bên cạnh đó, con số 5 - “ngũ” - tương ứng với ngũ hành, là một con số rất tốt trong quan niệm phong thủy thể hiện sự phát triển bền vững, mạnh mẽ. Vì thế, mâm ngũ quả trên ban thờ nhằm thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, sinh sôi nảy nở, phát triển.
Theo quan niệm của ông cha ta, việc chọn 5 loại trái cây để cúng giao thừa là chỉ những sản vật này vốn là kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng.
Mâm ngũ quả thì sẽ phải có đủ năm loại quả nhưng tùy theo quan niệm của từng vùng, từng địa phương và mùa màng khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo…
Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại chính như chuối, bưởi, đào, hồng, quýt... ngoài ra sẽ có thêm các loại quả phụ khác xen kẽ.
Cách trình bày truyền thống là chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Ngày nay, hoa quả cây trái ngày càng đa dạng phong phú nên mâm ngũ quả cũng mới mẻ hơn. Dù bày biện thêm nho, dứa, cam, hồng xiêm, na... nhưng người ta vẫn gọi là mâm ngũ quả.
Cũng giống như người miền Bắc, mâm ngũ quả của người miền Trung hầu như không kiêng loại quả nào, miễn là trên mâm phải có nhiều màu sắc, tươi ngon, có sẵn theo mùa.
Mâm ngũ quả thường được xếp hình tháp hoặc hình long phụng với cặp dưa đặt hai bên. Ngoài ra còn có rất nhiều loại hoa trái của quê hương được xếp bên cạnh.
Không như hai miền, Bắc và Trung, người miền Nam với triết lý “cầu vừa đủ xài sung túc” rất chuộng 5 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung.
Cách trình bày là ba loại quả có hình dáng to và trọng lượng nặng là đu đủ, dừa, xoài đặt lên mâm trước để lấy thế; sau đó, bày những quả khác chèn lên, để tạo thành một ngọn tháp.
Bên cạnh những loại quả được ưa chuộng đặc biệt đó thì người miền Nam lại kỵ cúng một số loại quả, vì theo phát âm tên gọi mang ý nghĩa không tốt, như:
- Chuối: Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được.
- Lê, táo (bom): Lê lết, đổ bể, dễ thất bại.
- Cam, quýt: Quýt làm cam chịu.
Theo Eva