Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Năm 2017, trong một lần tình cờ ra Hà Nội, Hoàng Phong - một họa sĩ sinh ra và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh, ngay lập tức “phải lòng” Thủ đô. Và từ đó, những chuyến bay ra Bắc với tần suất nhiều hơn kéo Phong vào một mối tình đậm sâu, không dứt với không gian văn hóa Tràng An ngàn năm thanh lịch.
Một bức tranh về Hà Nội của Phong Hoàng
Một bức tranh về Hà Nội của Phong Hoàng

Họa sĩ Hoàng Phong chia sẻ, lang thang ngắm Hà Nội thay đổi theo bốn mùa khiến nét vẽ của anh chẳng thể nào nhàm chán được. Càng ngắm càng mê, càng vẽ càng say... Những bức tranh về Hà Nội thậm chí còn nhiều hơn số lượng tranh Phong vẽ về nơi mình sinh ra, đó là TP.HCM.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 1

Họa sĩ Hoàng Phong

Ngày 10/10/2023 vừa qua, lần đầu tiên họa sĩ Hoàng Phong có một triển lãm ở Hà Nội đúng dịp Giải phóng Thủ đô với cái tên: “Chút tình gửi phố”. Triển lãm diễn ra ngay sát quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội, với 54 bức tranh về Hà Nội. Đặc biệt ở chỗ, đó là những bức tranh đậm chất Hà Nội ra đời giữa lòng TP.HCM.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 2

Một góc triển lãm "Chút tình gửi phố" của họa sĩ Hoàng Phong

Hà Nội bốn mùa không đơn sắc

Trước năm 2017, Hà Nội là miền đất xa xôi mà Hoàng Phong chỉ thấy qua ti vi, sách vở, với những lý thuyết nằm lòng mà bất cứ ai cũng có thể nhớ. Rằng Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị đặc sắc của cả nước. Điều ấy có thể thấy cảm nhận ngay khi bước chân qua 36 phố phường của Thăng Long. Mỗi phố một mặt hàng, mỗi mặt hàng tiêu biểu cho một vùng quê: Hàng Tre, Hàng Cót, Hàng Bồ, Hàng Chĩnh, Hàng Đào, Hàng Mắm, Hàng Lược… Thậm chí chàng họa sĩ còn bị dọa ra Hà Nội bị “chặt chém” dữ lắm!

Chỉ tới khi chính thức đặt chân đến Hà Nội, anh mới thực sự có những rung cảm đầu tiên, bồi hồi, tha thiết, anh khó diễn tả được. “Mê quá, có gì đó vừa yêu, vừa thân thương, vừa thôi thúc gắn bó”, Phong cười nói.

Sau cái lần bỡ ngỡ đầu tiên, Phong tự vỗ về cảm xúc của mình bằng nhiều chuyến thăm Hà Nội. Có đôi khi anh ở “lì” Thủ đô đến cả nửa tháng chỉ để được lang thang quanh Hồ Gươm, sống an yên với người dân Hà Nội, cả ngày nghe giọng Bắc. Anh đi hết các phố, ngắm cho thỏa thích những biệt thự cổ vẫn được bảo tồn từ thời Pháp thuộc... Mỗi bước chân là một khám phá, một trải nghiệm khó quên.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 3
Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 4
Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 5

Hà Nội hiện lên trong tranh Phong Hoàng rất đa màu, mỗi mùa một sắc, không mùa nào giống mùa nào

Hà Nội ấn tượng nhất với Phong là thời tiết dịu dàng. Phong kể, chuyến đi đầu tiên ra Hà Nội là khi miền Bắc đã vào cuối Thu, chuẩn bị bước sang đầu Đông, đẹp đến mê mẩn. Anh thích cảm giác uống ngụm cà phê và ngắm Hồ Gươm mỗi buổi sáng sớm. Không gian vừa hiu hắt, vừa se lạnh của Hà Nội khiến người ta dễ siêu lòng. Và rồi, khi trở về miền Nam, Phong không cưỡng lại được, nét cọ cứ thế bay bổng, phiêu hơn khi anh vẽ về Hà Nội.

Theo học ngành Điện, nhưng Phong tay ngang rẽ sang hội họa như một cái duyên từ năm 2010. Sau rất nhiều thể loại tranh thử nghiệm, Phong chọn vẽ tranh hiện thực. Kể từ năm 2017, Hà Nội là tình yêu lớn nhất mà Phong đam mê theo đuổi.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 6

Phong đam mê vẽ những công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội như trường Trưng Vương

“Một tình yêu không đến từ văn chương hay thơ ca, hoặc qua cái nhìn của người khác, một tình yêu cực kỳ chủ quan và cá nhân. Yêu từng góc phố, từng con đường, yêu lối sống sinh hoạt gần gũi, gắn liền với những hình ảnh xưa cũ vẫn còn được lưu giữ rõ rệt. Đặc biệt, tôi mê mẩn với kiến trúc Hà Thành, các toà nhà, các căn biệt thự trên phố cổ. Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, và may mắn là hàng năm, bắt đầu từ 2017, tôi ra đều đặn để cảm nhận cho hết, cho đã cái thay đổi của tiết trời từng mùa, ngắm từng loài hoa đặc trưng của 12 mùa hoa”, Hoàng Phong chia sẻ.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 7

Một góc bình yên của ngôi nhà cổ ở số 8 Chân Cầm

Hà Nội dưới nét vẽ đầy tình yêu của Phong hiện ra khi trầm mặc, uy nghiêm, khi giản dị, đời thường. Hà Nội hiện lên mỗi mùa một sắc, không mùa nào giống mùa nào, thậm chí một bối cảnh cũng tạo cảm hứng cho Phong vẽ đến cả chục bức khác nhau, chẳng hạn như ngôi nhà cổ ở số 8 Chân Cầm. “Nhà cổ ở Hà Nội có nét đẹp rất riêng, ví dụ trong Sài Gòn, phía trên là nhà cổ, phía dưới hiện đại hóa hết rồi. Hà Nội thì con người vẫn gắn bó với ngôi nhà, bối cảnh và con người vẫn hòa hợp ăn ý, nếp nhà vẫn như mấy chục năm trước”, Phong nói. Điều đặc biệt nữa trong mắt Phong là Hà Nội chuyển mùa rất nhanh, chỉ sau 10-15 phút có đợt gió lạnh ùa về là không khí Hà Nội đã chuyển sang tông màu khác. Hà Nội “thay áo” liên tục khiến nét vẽ không ngừng sáng tạo.

Ngoài nhà cổ, Phong đam mê vẽ những công trình kiến trúc tiêu biểu như trường Trưng Vương, di tích Hồ Gươm, cầu Thê Húc… Hiện anh đã có “kho báu” gần 100 tranh về Hà Nội. Anh đang nung nấu ý tưởng vẽ Hà Nội về đêm, những hàng quán ăn đêm, lặng lẽ nhưng gây thương nhớ.

Kết nối cảm xúc giữa mọi người bằng màu nước

Thường khi nhắc đến nét cổ kính, hoang hoải của phố cổ Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến những bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Nhưng với Phong, một họa sĩ từng tiên phong thành lập Hội màu nước Sài Gòn, Phong thích dệt nên một Hà Nội nên thơ từ màu nước. Là Ủy viên Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phong khuyến khích các họa sĩ trẻ theo đuổi những đam mê riêng, sở thích riêng để chọn cho mình một phong cách mới.

“Ngày đầu vẽ tranh nước về Hà Nội, tôi khắc họa bức tường chỉ đơn giản dùng màu vàng, nhưng có người góp ý, tường nhà cổ xưa ở Hà Nội là sơn ve, không có độ sần sùi, bạc màu… thì không thể lột tả được nhà cổ. Thế là cứ từng bước, tôi cặm cụi vẽ, cặm cụi sửa, đến khi nào chân thực nhất thì thôi”, Phong kể.

Phong không muốn đi vào lối mòn, khi thị trường sơn dầu đã có quá nhiều bậc thầy họa sĩ, anh chọn cho mình lối đi riêng, dùng màu nước. Khi thế giới đã phát triển màu nước rất lâu rồi thì tại Việt Nam, màu nước chỉ được sử dụng khiêm tốn cho những bức tranh bé xíu. “Màu nước cũng như nhiều loại màu khác, nếu dùng bột màu nguồn gốc thiên nhiên, biết cách bảo quản thì tranh bền và giữ được lâu năm chẳng khác gì tranh sơn dầu”, Phong khẳng định.

Bằng những bức tranh màu nước, triển lãm “Chút tình gửi phố” mang tinh thần kết nối câu chuyện của mọi người, mang đến cho mọi người một Hà Nội tinh khôi, trong lành và yên ả.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 8

“Tôi muốn tạo ra những câu chuyện cho mọi người, không phải của riêng tôi, tôi chỉ kể lại Hà Nội theo cái nhìn cá nhân. Người xem sẽ bổ trợ cho tác phẩm, góp ý để tôi hoàn thiện nét vẽ hơn, bởi bản chất của nghệ thuật là kết nối với mọi người, mọi câu chuyện với nhau. Âm nhạc, thơ ca cũng như hội họa, không có kết nối sẽ không tồn tại được”, họa sĩ tâm sự.

Để kết nối, mở ra nhiều góc nhìn với công chúng, 54 bức tranh về Hà Nội không có bức nào được Hoàng Phong đặt tên. Mỗi bức tranh là một lát cắt, một đoạn băng cắt ra từ bộ phim lớn về nhịp sống xô bồ của Hà Nội. Bản thân việc không đặt tên đã là một ẩn dụ giúp mọi người tự cảm nhận cái hồn của bức tranh theo cách hiểu, cách nghĩ riêng của từng người.

Phong khẳng định, “Hà Nội là của chung, của tất cả mọi người, ai cũng có thể có góc nhìn riêng, tôi vẽ trên tinh thần chủ quan của một người không ở Hà Nội, vì thế, mỗi người sẽ có cảm quan khác nhau. Tôi không muốn một cái tên, một dòng mô tả áp đặt cảm nhận của người xem tranh”.

Yêu Hà Nội trong từng nét cọ vẽ ảnh 9

Đến cuộc triển lãm, sẽ thấy những bức tranh vừa phóng khoáng, vừa dịu dàng về Hà Nội cũng chẳng khác gì tính cách cởi mở, tha thiết với nghề của chàng họa sĩ Hoàng Phong. Từ những ngày đầu quyết định theo hội họa không được gia đình ủng hộ, Phong giờ đã tự tin theo đuổi đam mê, và hơn cả, tự tin mang đến công chúng Thủ đô những bức tranh yêu Hà Nội của người con miền Nam,.

“Khi triển lãm diễn ra ở Hà Nội, tôi sẽ lên đường khám phá Hà Giang trong vài ngày, tôi cũng mong được sang Pháp ngắm kiến trúc, biệt thự… Nhưng hiện tại, tôi vẫn còn nặng lòng với Hà Nội, rất nhiều”, Phong cười.

Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
Hơn 61.000 lượt người vào Lăng viếng Bác dịp lễ 30/4 và 1/5
(Ngày Nay) -  Theo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ 27/4 - 1/5, riêng thứ Hai ngày 29/4 không tổ chức Lễ viếng Bác), đã có 61.417 lượt người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3.919 lượt khách nước ngoài.
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
(Ngày Nay) - Những dấu hiệu trong cuộc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng "làm ấm" quan hệ song phương.
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.