5 triển lãm xinh xắn tạo bước ngoặt cuộc đời
Sau 4 ngày triển lãm (từ 4-8/10/2023), ngày cuối cùng kết thúc triển lãm “VÂN – 2023”, ngôi nhà nghệ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội vẫn rộn ràng bước chân người ghé thăm.
Một ngày cuối thu, giữa cái se lạnh của sáng sớm le lói thứ nắng vàng như rót mật, bạn bè và khách thưởng lãm tranh đến với họa sĩ Giáng Vân vẫn chưa có dấu hiệu vãn. Chị tất bật trò chuyện cùng bạn bè văn nghệ sĩ: Nguyên Hưng từ Sài Gòn ra, Lan Hương Sen từ Thái Nguyên xuống, bạn bè của con gái Tommy, họa sĩ Hà Huy Mười, vợ chồng Cao Trần - Phạm Thái Lê, các đồng nghiệp báo chí, bạn cũ ở tập đoàn Sông Đà… Cả 4 ngày mở cửa triển lãm, họa sĩ Giáng Vân đều nở nụ cười hạnh phúc, nhiều người bạn lâu ngày gặp lại nhận ra chị trẻ hơn, sôi nổi hơn, tha thiết với những ý tưởng và với cuộc đời…
Được biết đến là một trong những nữ nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ XX, nữ sĩ Giáng Vân là một người chỉn chu từ lĩnh vực báo chí đến hội họa. Sau nghỉ hưu, hội họa đến với chị với tâm thế như một cuộc chơi ngẫu hứng, hết mình.
Chân dung tự họa của họa sĩ Giáng Vân |
“Ngồi trước trang giấy hay ngồi trước tấm toan bắt đầu cho một tác phẩm mới tôi thấy đều khó như nhau. Cái sự bắt đầu là khó nhất. Nhưng vượt qua được nó thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Khi đó dường như mình bị dẫn dắt đi”, họa sĩ Giáng Vân tâm sự.
Họa sĩ Giáng Vân |
“Tôi bắt đầu cầm cọ đầu năm 2017. Khi đó, một người bạn, chị Đặng Kim Trâm rủ, hay ta mở một lớp học vẽ đi. Một ý tưởng hay mà tôi chưa từng nghĩ tới. Cùng với mấy người bạn của cả hai, chúng tôi mời một họa sĩ làm thầy và có một lớp vẽ ngay tại nhà mình. Kể từ đó tới nay, điều khó ai ngờ là tôi đã có 4 triển lãm cá nhân. Lần này là lần thứ năm. Lần đầu ngay tại nhà tôi (Giáng Vân Art Space), Chân dung và Tĩnh vật (tháng 1/2018). Lần hai tại Studio Sắc màu tự nhiên của hai bạn Hoàng Anh và Thái Tĩnh, có tựa “Một góc nhìn” (tháng 9/2018). Lần ba, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền: “VÂN - 2021”, là một triển lãm giữa hai đợt dịch COVID-19, tôi vẽ trong nỗi căng thẳng, lo âu cùng những nỗi đau thương dội đến mỗi ngày (tháng 10/2021). Lần 4, tại CHAU AND CO ART GALLERY 123 Nguyễn Đình Thi, tôi ra mắt 26 bức vẽ về gốm trên toan, cùng hơn 40 chiếc bình gốm tôi dùng chất liệu men của dòng gốm Thi Nguyên để vẽ lên và nung. Triển lãm xinh xắn này có tựa đề “Đời gốm” (9/2022)”, Giáng Vân nhớ từng chi tiết, từng bức tranh, như nhớ từng đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Những bức tranh đã triển lãm của họa sĩ Giáng Vân |
Và mới đây nhất, đầu tháng 10/2023 là triển lãm thứ năm với cái tên đơn giản “VÂN – 2023”, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền. 37 tác phẩm trong căn phòng nhỏ, trên con phố sầm uất giữa lòng Hà Nội là 37 góc nhìn khác nhau về bạn bè, cuộc sống. Họa sĩ Giáng Vân lý giải, tựa đề triển lãm đơn giản là mốc thời gian để chị tự nhìn nhận lại chặng đường vừa đi qua trong con đường nghệ thuật mới mẻ này. “Như một niềm vui. Như một hứng khởi đang đợi mình phía trước”, chị cười.
Ở ngưỡng tuổi đã “về chiều”, họa sĩ Giáng Vân thừa nhận, hội họa là một cuộc thám hiểm chính mình, là sự phát hiện những tầng, những vỉa sống mà chị chưa từng bộc lộ. “Cảm quan về màu sắc, về thẩm mỹ, về bố cục... tôi hiểu nó phải được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình chứ không phải sự mô phỏng các ý tưởng mà người làm văn chương hay mắc phải khi chuyển sang hội họa… Tôi cảm thấy được tự do và tràn đầy niềm vui khi làm việc với màu và toan, và các loại chất liệu đã, đang và sẽ khám phá. Tôi hy vọng sau đây mình sẽ còn đi tiếp, sẽ không ngừng khám phá cái đẹp của đời sống trên con đường này cùng với những người bạn, những khán giả có cùng quan niệm thẩm mỹ với mình”, chị chia sẻ.
Cảm xúc bất tận với gam màu trầm
Vụt sáng với 5 triển lãm gây ấn tượng mạnh với công chúng, sau bao thăng trầm của cuộc sống, nữ sĩ Giáng Vân lại được bình yên với những sáng tác ngẫu hứng của mình. Và như tất cả các địa hạt đã đặt chân vào, dù đang thanh xuân trẻ trung hay đã vượt ngưỡng 60, chị vẫn luôn nhiệt huyết, sống trọn với từng đam mê của mình.
Đam mê chữ nghĩa được khắc họa bằng những vần thơ dữ dội trong nội tâm, và giờ đam mê hội họa là những bức tranh thiên về gam màu trầm, vừa sâu lắng, vừa tinh tế như sự bí ẩn trong nét văn hóa Á Đông. Mỗi nét cọ là một nét chấm phá độc đáo nói hộ tấm lòng của người đàn bà đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống.
Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Giáng Vân |
Sắc màu trầm dễ dàng bắt gặp trong các bức tranh của họa sĩ Giáng Vân trong triển lãm thứ năm này. Gam màu ấy cũng từng bắt gặp trong thơ chị viết: “Một vài lần/ Những cú đột phá nào đó từ cõi không biết đã mở/ Một hay tất cả các luân xa của tôi/ Khiên trí não tôi tự nhiên sáng chói/Tôi mơ/Ngay sau ô cửa sổ bé xíu/Một chân trời màu lam sáng…”.
Sử dụng gam màu trầm nhưng cảm xúc ẩn chứa trong từng tác phẩm hội họa của chị lại không hề yên ả. Người xem có thể cảm nhận được dòng chảy cảm xúc có khi dữ dội, khi thôi thúc, bắt người nghệ sĩ phải cầm cọ vẽ theo cảm xúc. Những giây phút sống hết mình với hội họa, cảm giác như chị đang sống trong những câu thơ của chính mình: “Trôi xuôi/ Trong mù sương/ Miên man/ Không làm sao tới được/ Khi ta chạm vào dịu dàng hơi thở/ Hơi thở sẽ thành gió/ Khi ta chạm vào cái nhìn/ Cái nhìn làm ta đau như một vết thương/ Trôi xuôi/ Trôi xuôi/ Những ảo ảnh bất tận”...
Họa sĩ Giáng Vân và những người bạn văn nghệ sĩ |
Giáng Vân không phải một họa sĩ trẻ, tươi tắn và háo hức nhìn đời. Tranh của chị là nhãn quan của một người đàn bà trầm lắng, trưởng thành và mạnh mẽ. Chị nói, chị vẽ chỉ đơn giản là muốn đi tìm chính mình, khám phá bản thân qua những góc khác nhau của nghệ thuật. Với nhiều người, sóng gió cuộc đời có tác động mãnh liệt, nhưng với họa sĩ Giáng Vân, có cảm giác như chị đón nhận và vượt qua khá điềm tĩnh.
Sau triển lãm, những bức tranh mới sẽ vẫn lần lượt ra đời trong căn nhà nhỏ, như những cơn gió Thu đẹp man mác giữa đợt giao mùa lặng lẽ... Họa sĩ Giáng Vân vẫn sẽ lại gom nhặt những thường nhật của ngày đi vào một bầu trời khác, bầu trời hội họa của toan và màu sắc. Đó là cuộc rong chơi đầy hào hứng của một kẻ ngoại đạo nhưng làm gì cũng chỉn chu và nghiêm túc.