Không đón Hè trong bốn bức tường

[Ngày Nay] - Thay vì giữ con trong vòng tay gia đình hay dồn con vào lịch học kín mít, nhiều phụ huynh đã cho con va chạm cuộc sống và tự khám phá thế giới.
Hoạt động ở trại hè khiến trẻ em thêm nhiều hứng khởi đón năm học mới
Hoạt động ở trại hè khiến trẻ em thêm nhiều hứng khởi đón năm học mới

Đẩy con ra khỏi nhà

Khi con tròn 10 tuổi, chị Phạm Thu Hường (4/60 đường Ngô Quyền, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) bắt đầu trăn trở suy nghĩ đến một mùa hè ý nghĩa hơn, khác hơn dành cho con trai. “Cứ hè đến, con nghỉ học nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm nên thời gian kèm con không thể nhiều, con trai nghỉ học vẫn cần có bạn để chơi đùa, học hỏi lẫn nhau mà lâu nay chỉ quanh quẩn ở nhà bên ông bà và bố mẹ”.

Đỗ Anh Minh – con trai chị Hường tuy đã là cậu bé lớp 3 nhưng vẫn khá nhút nhát, nhiều kỹ năng của con chưa thực sự thành thạo. “Con cũng giống nhiều bạn khác đồng trang lứa, ở nhà thường không phải làm gì, mùa hè năm nào cũng lặp lại điệp khúc ti vi, máy tính rồi điện thoại, nhìn sốt ruột lắm” – chị Hường cười nói. Được bà nội ủng hộ, bạn bè ở Hà Nội động viên, hai vợ chồng bàn nhau cho con trai ra Hà Nội, vừa nghỉ ngơi du lịch, vừa tham gia trại hè ở Trung tâm FFC (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sự lựa chọn ngẫu hứng ấy đã khiến vợ chồng chị thay đổi về khái niệm mùa hè cho con.

Dù mọi thông tin chi tiết liên quan đến trại hè như danh sách lớp, thời khóa biểu, thực đơn, thông tin hướng dẫn dành cho phụ huynh… phía trung tâm đã đều đặn trao đổi với phụ huynh nhưng cả nhà chị Hường vẫn như ngồi trên đống lửa theo dõi từng bước đi của con.

Chị Hường kể, ban đầu cả nhà lo lắng lắm vì chưa bao giờ cho con đi xa bố mẹ. Bà nội nhiệt tình đi cùng để đưa đón cháu nên cả hai vợ chồng yên tâm. Trại hè có khá nhiều chương trình hay khiến con trai bị cuốn hút. Khi thì học vẽ, học diễn xuất, học nhạc, khi lại tự tay làm thú nhồi bông. Con trai còn khoe với mẹ được học ngôn ngữ kí hiệu, được tham gia các trò chơi tập thể sôi nổi, tiệc BBQ vui  lắm… Con dần dần kết bạn, hòa vào không khí của hội họa, âm nhạc, học làm đầu bếp nhí. Trại hè cũng dạy giáo dục giới tính, ứng xử văn minh, dạy các con làm chủ cảm xúc...

Không đón Hè trong bốn bức tường ảnh 1Dã ngoại ở trại hè

“Sau một thời gian học bán trú, con trai đề nghị bố mẹ cho bạn ấy được học nội trú, ăn ngủ tại trường - điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra. Hơi bất ngờ nhưng vợ chồng tôi đồng ý khi thấy con khẳng định sẽ tự lập, tôi tin con và hi vọng rất nhiều. Niềm hi vọng ấy nhanh chóng có kết quả, con chững chạc và tự lập rõ ràng chỉ sau một mùa hè” - chị Hường nói. Trong hành trình nội trú ấy, buổi sáng các con thức dậy, tự vệ sinh cá nhân, sau đó được đi dã ngoại, trồng cây, chăm sóc cây, học hát Tiếng Anh… Dịp dã ngoại về quê tập làm nông dân, được đi xe bò… khiến con trai chị háo hức như một chú chim sổ lồng. Chị Hường nhận ra, con trai mình cần nhiều trải nghiệm hơn nữa ngoài cánh cửa hơn là lịch học dày đặc mà nhiều phụ huynh đang mắc sai lầm giết chết mùa hè của con.

Sau khóa học hè năm 2016, chị Hường tiếp tục cho con trai theo trại hè 2017, rồi tới năm nay. Cậu con trai Đỗ Anh Minh giờ đã 12 tuổi, biết tự lập trong mọi hoạt động cá nhân, bớt nhút nhát và hòa đồng hơn rất nhiều. “Nếu chỉ đọc các tờ rơi quảng cáo thì phụ huynh chưa thể hình dung ý nghĩa của những trại hè cho các con, phải thực sự đẩy con ra khỏi nhà, tham gia trải nghiệm mới thấy cơ hội khám phá bản thân của các con, các con được thỏa sức vận động, được hiểu hơn về bản thân mình trong các giờ học kỹ năng sống” – chị Hường chia sẻ.

Trại hè của mẹ

Không giống chị Hường bỏ tiền túi ra “mua” mùa hè bổ ích cho con, TS Nguyễn Ngọc Minh - khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại tạo nên mùa hè riêng cho con bằng dự án giải trí bổ ích do chính chị sáng tạo.

Không đón Hè trong bốn bức tường ảnh 2Dã ngoại kết hợp với học vẽ

Chị Minh kể, chị từng đau đầu tìm chỗ gửi cậu con trai Đậu Tương (sinh năm 2008). “Ban đầu mình định cho Đậu Tương tham gia CLB sinh hoạt hè của trường nhưng thôi, cả năm đã học căng thẳng, nay nghỉ hè lại đến trường thì mùa hè của con thành cái gì? Mình gửi con ở nhà ngoại như nhiều gia đình khác, nhưng được ít ngày, bà ngoại bận chăm con dâu mới sinh nên trả Đậu Tương lại, hai mẹ con tự trông nhau.

Năm 2016, TS Minh tự mở một trại hè mang tên trại hè sách. Chị chia sẻ ý tưởng về trại hè sách (Book Camp) trên facebook ngay lập tức được các mẹ khác ủng hộ, đăng ký cho con tham gia. Là giảng viên ĐH, cũng là người sáng lập dự án “Sách ơi mở ra” – một dự án cộng đồng với hàng chục chương trình trang bị cho trẻ em kỹ năng đọc sách, viết văn, cảm thụ văn học…, TS Minh tự tin tạo ra một mùa hè riêng biệt cho con. Book Camp đúng tính chất trại hè mẹ tổ chức cho các con nên không tính lãi. TS Minh và các giáo viên trong dự án “Sách ơi mở ra” đảm nhiệm luôn việc dạy các trại viên đọc sách với mục tiêu mỗi bạn nhỏ đọc được ít nhất 10 cuốn sách hay trong dịp hè. Trại được tổ chức ngay tại thư viện cộng đồng của dự án, nằm đối diện công viên Cầu Giấy. Mùa hè gõ cửa, các mẹ có thể tiết kiệm tối đa chi phí thuê địa điểm, các con lại dễ dàng được ra công viên vận động thể chất mỗi ngày. Chị Minh còn lồng ghép dạy trẻ lao động, kỹ năng tự phục vụ bằng việc để trẻ tự rửa bát sau giờ ăn trưa, tự dọn phòng học, giữ sách, truyện gọn gàng…Từ đó, cứ hè đến, dự án lại rộn ràng tiếng trẻ em líu lo học hát tiếng Anh, cười nói bên nhau.

Không đón Hè trong bốn bức tường ảnh 3

Tương tự, Th.s Phạm Thanh Nga, khoa Hóa học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tự mở nhiều khóa trải nghiệm cho con trai và các bạn của con. Mỗi một khóa học, mẹ Nga tỉ mỉ lên các nội dung chương trình khác nhau để các con không nhàm chán. Tháng 6, Th.s Nga cho các con tìm hiểu khoa học, môi trường, y tế, mỹ thuật, Anh ngữ trải nghiệm ngoài trời; tháng 7, khóa trải nghiệm lại thiên về thí nghiệm khoa học, kỹ năng sơ cứu, khoa học thưởng thức... Kiên quyết nói không với “học thêm văn hóa” trong dịp hè, các bé khi tham gia trại hè của mẹ Nga sẽ luôn cảm thấy rất thoải mái nhưng vẫn được mở mang kiến thức, rắn rỏi, tự lập hơn.

Trại hè của Th.s Nga được các mẹ góp công góp sức duy trì để các con có mùa hè bổ ích nhất. Mẹ Đỗ Thuý Nga, bác sĩ bệnh viện Nhi trung ương, vừa gửi con gái Ngọc Anh sinh năm 2009 vừa tham gia dạy y học thường thức. TS. Triệu Anh Trung, giảng viên khoa Sinh học vừa gửi con gái vừa tham gia dạy về khoa học đời sống…

Mẹ Nguyễn Thị Vân tình nguyện nhận nấu ăn cho các con; và có cả gia đình nhận cung cấp rau sạch tự trồng ở quê để các con được ăn thực phẩm sạch nhất… Để làm được một trại hè đúng nghĩa những người mẹ đã phải dồn tâm huyết, thời gian và nhiều tháng chuẩn bị. Dù vất vả, những người mẹ luôn mong con sẽ trưởng thành hơn từ những “trại hè của mẹ”.

9 tháng “đèn sách” là đủ

Không đón Hè trong bốn bức tường ảnh 4

TS Vũ Thu Hương - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội từng kể rằng, có cháu học sinh rất bực bội nói với tôi là bố mẹ suốt ngày bắt học, vừa nghỉ hè xong đã vội vã bắt cháu đi học các khóa học hè, cháu thấy rất mệt mỏi mà không thể thoát được guồng quay ấy. “Theo tôi, cả năm trẻ phải ở trường học tập. Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng sống và đạo đức của trẻ rất bị hạn chế. Hè là khoảng thời gian hích hợp nhất cho việc bù đắp những thiếu thốn này” - bà Hương nói.

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt chia sẻ, suốt 9 tháng, học sinh đã bị “giam” trong 4 bức tường của trường học, về nhà lại phải quay cuồng với bài tập. Thế giới của các con bị bó hẹp, những trải nghiệm với môi trường bên ngoài rất nghèo nàn. Mùa hè phải thực sự dành cho con cơ hội được trải nghiệm, được bước khỏi trường lớp, ra khỏi nhà khám phá những điều mới.

Không đón Hè trong bốn bức tường ảnh 5

Theo bà Lan Anh, sau khi kết thúc năm học, bố mẹ có thể cho con về thăm ông bà nội, ngoại một thời gian, sau đó chọn những khóa trải nghiệm vừa học vừa chơi. Có thể có hai hướng lựa chọn: Học kỹ năng mềm cho những bạn còn nhút nhát, như làm MC, thuyết trình, kỹ năng chống xâm hại, bạo lực… và các khóa phát triển tư duy não phải như âm nhạc, hội họa, tạo hình… “Những kiến thức mà nhà trường đã trang bị cho các em suốt 9 tháng học như thế cơ bản là đã đầy đủ. Cha mẹ nên tìm các khóa học ngoại khóa về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, tự chủ, tự phục vụ bản thân giúp trẻ tương tác, rèn được ngưỡng chịu đựng của bản thân trong những hoàn cảnh không có bố mẹ…” - bà Lan Anh khuyên. 

An toàn - Bổ ích - Vui

Đó là 3 yếu tố quan trọng và là kim chỉ nam khi thiết kế trại hè, thiếu 1 trong 3 yếu tố “an toàn – bổ ích – vui” coi như trại hè thất bại… Mỗi một đứa trẻ đều có những sự hiếu động riêng, thậm chí khó lường trước được toàn bộ các tình huống bất ngờ mà chúng tạo ra hoặc gặp phải và việc làm thế nào để hàng trăm đứa trẻ được đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động trại hè là điều không dễ. Nhưng muốn mùa hè của trẻ thực sự bổ ích và học được nhiều điều, khi các con tham gia trải nghiệm, bọn trẻ nhất định phải được an toàn.

Một trong những điều khiến trại hè phát huy được tác dụng chính là tạo cơ hội cho trẻ được giao lưu, học hỏi, khám phá bản thân và học các kỹ năng sống. Một ví dụ nho nhỏ chỉ đơn giản là một bữa ăn trưa cùng nhau, các con được dạy cách ăn thế nào cho đúng và văn minh, dạy cách để quan tâm tới người cùng ngồi ăn với mình, biết chờ đợi và biết mời chào, biết cách phân biệt đồ ăn có lợi cho sức khỏe hoặc không... Những điều này được bồi đắp mỗi ngày trong hành trình trại hè để trẻ từng bước khôn lớn.

Bà Trần Tố Quyên - Giám đốc Trung tâm FFC

Ảnh minh họa: FFC cung cấp

Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
Quảng Ninh vận động du khách không mang rác thải nhựa ra các đảo
(Ngày Nay) - Từ ngày 27/4, ngày đầu tiên của dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cụ thể gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen.
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
Trải nghiệm Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang
(Ngày Nay) - Sáng 27/4, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Khai mạc Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ 3, năm 2024, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân tới tham dự.
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
Hãng hàng không Nhật Bản hủy chuyến bay do phi công say rượu
(Ngày Nay) - Ngày 26/4, hãng hàng không Japan Airlines của Nhật Bản cho biết mới đây hãng đã phải hủy một chuyến bay từ thành phố Dallas (Mỹ) tới Tokyo sau khi tiếp nhận thông tin từ cảnh sát địa phương rằng cơ trưởng của chuyến bay này có hành vi gây rối tại khách sạn do say rượu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn tại quán H2 CLub.
Vụ quán H2 Club ở Hà Nam: Nghiêm cấm hành vi tổ chức biểu diễn trái phép
(Ngày Nay) - Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt bài viết phản ánh việc quán bar H2 Club tổ chức cho nhân viên mặc trang phục Phật giáo biểu diễn nhảy múa dung tục, phản cảm; hoạt động “chui” khi chưa đủ điều kiện được phép kinh doanh; cùng một số dấu hiệu vi phạm khác; UBND tỉnh Hà Nam và UBND thị xã Duy Tiên đã vào cuộc xử phạt hành chính đồng thời nghiêm cấm tổ chức hoạt động biểu diễn.
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.