AFP đưa tin, Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân được thông qua với 122 phiếu thuận, một phiếu chống (Hà Lan) và một phiếu trắng (Singapore).
Tuy nhiên, không có nước nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân - Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel - tham gia đàm phán hoặc bỏ phiếu. Ngay cả Nhật Bản - quốc gia duy nhất bị tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945, cũng không tham gia.
Những tiếng vỗ tay vang dội hội trường ở trụ sở Liên Hợp Quốc sau khi Hiệp ước được thông qua. Sau 3 tuần đàm phán, Hiệp ước đưa ra quy định về cấm hoàn toàn việc phát triển, tàng trữ hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trong vòng vài giờ sau khi thông qua, Mỹ, Anh và Pháp đã bác bỏ hiệp ước và cho rằng hiệp ước này không phù hợp với môi trường an ninh quốc tế hiện nay.
Trong tuyên bố chung các đại sứ của 3 nước tại Liên Hợp Quốc cũng cho rằng: "Hiệp ước không cung cấp giải pháp cho mối đe dọa nghiêm trọng từ các chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng không giải quyết thách thức an ninh cần thiết cho việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân".
Những cường quốc hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn tấn công và các nước này vẫn cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Các nước tham gia soạn thảo hiệp định hy vọng sẽ làm tăng áp lực lên các quốc gia hạt nhân để giải trừ quân sự nghiêm túc hơn.
Đại sứ Costa Rica, Elayne Whyte Gomez, cho biết: "Chúng tôi đã gieo hạt giống đầu tiên cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân".
Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đã ca ngợi hiệp ước lần này như một "bước lịch sử hướng tới việc loại trừ" vũ khí hạt nhân và việc thông qua hiệp ước à "một chiến thắng quan trọng cho nhân loại".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân phản ánh "nhận thức về hậu quả thảm khốc" của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hiệp ước sẽ sẵn sàng để ký kết vào ngày 20/9 và sẽ có hiệu lực khi 50 quốc gia phê chuẩn.