VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn. |
Nguy cơ văng khỏi Olympic vì 4 VĐV vi phạm
Với hai trường hợp mới nhất là Nguyễn Thu Trang và Bùi Đình Sáng, số ca dính doping của cử tạ Việt Nam chỉ trong 2 năm đã lên tới con số 4. Trước đó, hai đô cử Trần Văn Vinh và Đinh Thị Phương Thanh cũng bị cấm thi đấu 4 năm do dương tính với chất bị cấm. Đáng chú ý, Trang, Sáng, Thanh đều từng giành HCV trẻ thế giới, còn Vinh thậm chí từng đăng quang giải vô địch thế giới và là Á quân ASIAN Games. Càng đáng buồn hơn, cả 4 đô cử này đều bị phát hiện qua các kiểm tra đột xuất của Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) ngay tại Việt Nam.
Thảm cảnh 4 nhà vô địch thế giới và vô địch trẻ thế giới liên tiếp dính doping đang khiến cho cử tạ Việt Nam đứng trước những thảm họa thực sự. Dễ thấy nhất, môn vốn đang có lực lượng rất mỏng này mất luôn 4 lực sĩ trẻ tài năng với án phạt cấm thi đấu tới 4 năm và không có cơ hội được miễn giảm. Quan trọng hơn, cử tạ Việt Nam đứng trước nguy cơ hiển hiện bị loại khỏi mọi hoạt động của quốc tế, trước hết là Olympic Tokyo- nơi chúng ta đang cầm chắc 3 suất dự tranh. Đáng chú ý, cử tạ cũng chính là môn hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất của thể thao Việt Nam có hi vọng tranh chấp huy chương Olympic. Chiếu theo quy định chung từng áp dụng với cử tạ nhiều nước, khả năng bị loại của cử tạ Việt Nam cực cao.
Ngoài ra, uy tín và hình ảnh của cử tạ Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi từ 2004 người đứng đầu ngành thể thao nước nhà đã đại diện ký vào “Tuyên bố Copenhagen” để Việt Nam trở thành quốc gia, vùng lãnh thổ thứ 106 chính thức nhập cuộc toàn diện, trong đó cam kết tuyệt đối nói không và tham gia đầy đủ vào công cuộc phòng chống vấn nạn doping.
Thảm họa… khó tránh
Tính đến hai trường hợp mới nhất của môn cử tạ, đã có 16 tuyển thủ Việt Nam bị phát hiện dương tính với chất bị cấm, thuộc diện nhiều nhất ĐNÁ.
VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương. |
Chính kỳ SEA Games 2003 đại thắng trên sân nhà, thể thao Việt Nam đã lần đầu tiên “trắng mắt” với 4 trường hợp dính gồm Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh). Cũng kể từ đó, dù đã ký vào hiệp ước quốc tế, luôn chủ trương “nói không với các chất bị cấm” với quyết tâm phòng chống cao, song thể thao Việt Nam đã đều đặn phải nhận những ca doping. Tính đến hai trường hợp mới nhất ở môn cử tạ, qua 17 năm, Việt Nam đã có cả thảy 22 VĐV bị phát hiện dương tính với chất bị cấm.
Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 6 đô cử bị phát hiện, qua các cuộc kiểm tra bắt buộc tại các giải đấu và kiểm tra đột xuất do Liên đoàn Cử tạ Thế giới thực hiện. Điều đáng nói, 5/6 trường hợp của môn này rơi vào các lực sĩ từng vô địch thế giới hay vô địch giải trẻ thế giới, thậm chí giành HCB Olympic (Hoàng Anh Tuấn, Trần Văn Vinh, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Thu Trang, Bùi Đình Sáng). Sau cử tạ, các môn khác từng có “vết đen” gồm điền kinh (2 trường hợp), thể hình (2), lặn (2), canoeing (1), boxing (1), thể dục dụng cụ (1), futsal (1).
Thảm họa doping của TTVN là điều khó tránh khi mà việc phòng chống vấn nạn này lại chỉ diễn ra ở những lời tuyên bố, lời hứa quyết tâm mang nặng tính hình thức. Trên thực tế, ngành thể thao không có bất cứ hành động phòng chống ráo riết nào. Đơn giản và thiết thực nhất như việc tuyên truyền giáo dục tinh thần nói không với doping, danh mục các chất bị cấm tới các VĐV chỉ được tiến hành sơ sài cho có, mỗi khi có sự kiện, để rồi “trôi tuột” luôn qua đầu. Qua khảo sát của mình một cơ quan chuyên môn của chính ngành thể thao, có ít nhất 90% số tuyển thủ quốc gia không nắm được những chất bị cấm cơ bản nhất của ngay môn mình. Ngay cả trước các sự kiện quốc tế lớn như SEA Games, cũng chỉ có 9-10 % số tuyển thủ được kiểm tra doping.
Việc dính doping của VĐV này hay VĐV khác, lúc này hay lúc khác và rộng hơn là mảng phòng chống nguy cơ doping với TTVN giờ vẫn là câu chuyện “may nhờ rủi chịu”.
Trong 16 trường hợp dính doping của TTVN, sự cố của “công chúa” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương tại Olympic 2008 chính là ca doping vào loại ngớ ngẩn nhất trong các Đại hội thể thao quốc tế. Thương giành vé vớt, không có khả năng tranh chấp thành tích cao chứ chưa nói đến huy chương, thuộc diện gắp thăm ngẫu nhiên bị kiểm tra, rồi phát hiện dương tính với chất kích thích. Như lý giải của Ngân Thương, tưởng như chuyện đùa mà lại hoàn toàn thật, cô dính doping chỉ vì muốn... làm đẹp, giảm eo.