Như tin tức đã đưa, trong hai ngày 21-22/12, hàng nghìn học sinh tiểu học, THCS tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội đã không đến trường do phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để gây sức ép, phản đối việc xây trung tâm thương mại ở địa phương.
Ngày 23/12, đã có trên 1.000 học sinh quay trở lại trường học sau hai ngày nghỉ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi học ngày 23/12, hàng trăm học sinh đã kéo vào trường tiểu học Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) kêu gọi các bạn cùng trường nghỉ học.
Một góc sân trường THCS Ninh Hiệp những ngày học sinh nghỉ học.
Hiện, các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiếp tục xử lý sự việc. Về phía ngành giáo dục, chiều ngày 23/12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn chỉ đạo Phòng GD-ĐT Gia Lâm, hai Trường tiểu học và THCS Ninh Hiệp giải quyết tình trạng học sinh nghỉ học trong những ngày qua.
Công văn của Sở GD-ĐT yêu cầu, lãnh đạo phòng giáo dục, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp và toàn thể cán bộ giáo viên cần nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cha mẹ học sinh và tìm mọi biện pháp vận động, thuyết phục cha mẹ học sinh cho các em đi học trở lại. Trong đó, cần nêu rõ sự thiệt thòi trước mắt cho các em nếu không được đi học vào thời điểm kết thúc học kỳ I sẽ rất bất lợi.
Trao đổi với phóng viên, TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, trong vụ việc này, để đạt được mục đích, các tiểu thương đã liên kết với nhau và sử dụng nhiều phương thức, trong đó có cả việc vận động con em bãi khóa. Thế nhưng, khi làm vậy, có lẽ người lớn quên rằng trong “cuộc chơi” này, trẻ em là người thiệt thòi nhất.
“Việc các phụ huynh cuốn con em mình vào vòng lốc xoáy chống đối, xô đẩy lẫn nhau sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách, hành xử của trẻ sau này. Bởi, một lần được tham gia sẽ khiến học sinh nghĩ rằng việc nghỉ học là một cách thức để đạt được điều gì đó. Nhiều hành vi phức tạp khác cũng có thể cũng phát sinh ở trẻ sau lần này ”, ông Bình nói.
Cụ thể, ông Bình cho rằng, khi làm con trẻ cuốn vào việc này vô tình đã hình thành trong đầu óc chúng khái niệm chống đối. Đây là một cách làm phản giáo dục. Bên cạnh đó, khi con cái bị ngừng việc học hành thì chỉ sau một lần thôi, chính những đứa trẻ đã thấy rằng việc học hành có thể gián đoạn vì một lý do nào đó và nó chẳng quan trọng gì. Nguy hiểm hơn, theo ông Bình, các trẻ trong trường hợp này không được thực hiện quyền tự do biểu đạt, bị cha mẹ áp đặt, làm méo mó, suy nghĩ, tình cảm của trẻ em đối với công việc chung, trong đó có nhà trường.
Từ những ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ như phân tích ở trên, ông Bình cho rằng các phụ huynh trong vụ việc này cần phải bình tĩnh, thương thảo với chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan chứ không nên dùng việc bãi khóa của con em mình để tạo sức ép, làm ảnh hưởng đến các cháu.
Hà An