Chiều 18/12, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội, thông tin: “Sáng 17/12, đoàn kiểm tra gồm đại diện Ngân hàng Thế giới, Sở GTVT đã cùng trung tâm đi kiểm tra hạ tầng ở toàn bộ nhà chờ trên tuyến buýt nhanh Hà Nội”.
Đoàn kiểm tra ngồi trên một chiếc xe buýt nhanh, trực tiếp kiểm tra việc dừng đỗ của xe, xem xét cơ sở hạ tầng và rà soát toàn bộ khối lượng công việc của đơn vị thi công. Việc làm này nhằm đánh giá tổng quát trước ngày xe buýt hoạt động chính thức.
Về xe buýt được sử dụng trong dự án, ông Hải cho biết 35 chiếc xe được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài và lắp ráp tại công ty ôtô Trường Hải. Tuy nhiên, đến nay, 35 chiếc buýt nhanh chưa hoàn thành thủ tục đăng ký, đăng kiểm.
Khi PV đặt câu hỏi tại sao lại chậm trễ trong việc đăng ký, đăng kiểm xe buýt nhanh, ông Hải nói rằng việc này đang được BQL dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị Hà Nội gấp rút thực hiện.
Trả lời câu hỏi về tính hiệu quả của dự án buýt nhanh, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết vẫn chưa thể đánh giá chính xác được. Bởi đến thời điểm này, cả Sở GTVT và trung tâm chưa lượng hóa được lượng hành khách sẽ sử dụng dịch vụ.
Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội thừa nhận không ít người tỏ ra hoài nghi khi đưa buýt nhanh về tuyến đường thường xuyên ùn tắc để thử nghiệm.
Tuy nhiên, ông nói rằng quan điểm của thành phố và Sở GTVT là phải đưa BRT vào những điểm ùn tắc, lưu lượng phương tiện đông. Nếu làm tốt, việc thử nghiệm này sẽ giải quyết luôn được vấn đề mà tuyến đường đó đang mắc phải.
“Khi buýt nhanh hoạt động do được ưu tiên nên sẽ ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của người dân Hà Nội”, ông Hải chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, với thực trạng hạ tầng chưa hoàn thiện như hiện nay, trước mắt, BRT sẽ hoạt động mà chưa có kết nối với hệ thống điều khiển giao thông thông minh và soát vé tự động. Khi lưu thông, buýt nhanh chỉ được ưu tiên tối đa bằng hệ thống đèn tín hiệu giao thông.