Cụ thể, báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng suy thoái chất lượng đất của Trái đất bắt nguồn từ hoạt động sản xuất lương thực.
Hiện tượng đất bạc màu, gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, độ phì nhiêu của đất, nước, đa dạng sinh học, cây cối hoặc thảm thực vật bản địa, đang ngày càng lan rộng tại nhiều khu vực.
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng hiện tượng đất bạc màu chỉ bao gồm sa mạc khô cằn, rừng nhiệt đới bị chặt phá hoặc đô thị hóa, nhưng nó cũng bao gồm các khu vực "xanh" được trồng trọt dày đặc hoặc bị tước bỏ thảm thực vật tự nhiên.
Việc trồng trọt lương thực trên đất bạc màu ngày càng trở nên khó khăn hơn vì đất nhanh chóng bị cạn kiệt chất dinh dưỡng và nguồn nước. Suy thoái đất cũng góp phần làm tuyệt chủng các loài động thực vật và có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu do làm giảm khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon của Trái đất.
Ông Ibrahim Thiaw, thư ký điều hành công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa, cho biết: “Suy thoái đất đang ảnh hưởng đến thực phẩm, nước, carbon và đa dạng sinh học. Nó đang làm giảm GDP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, giảm khả năng tiếp cận nước sạch và khiến tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ hơn ”.
Vị chuyên gia cho rằng, hoạt động nông nghiệp hiện đại đã thay đổi bộ mặt của hành tinh, hơn bất kỳ hoạt động nào khác của con người, vốn gây ra 80% nạn phá rừng, 70% việc sử dụng nước ngọt và là nguyên nhân lớn nhất gây mất đa dạng sinh học trên cạn.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng một nửa sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới, tương đương khoảng 44 tỷ USD, đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái đất. Nhưng lợi ích kinh tế của việc khôi phục đất bị suy thoái có thể lên tới từ 125 nghìn tỷ đến 140 nghìn tỷ USD mỗi năm, cao hơn khoảng 50% so với mức 93 nghìn tỷ USD GDP toàn cầu được ghi nhận vào năm 2021.