Nữ sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng
Liên tiếp các vụ bạo lực học đường được phát hiện trong hai tháng 3-4/2015, trong đó nổi cộm là vụ nữ sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị đánh hội đồng và vụ nữ sinh Thái Nguyên bị đánh cấm khẩu.
Cụ thể, ngày 8/3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại hình ảnh một nữ sinh tóc dài khóc lóc, ngồi co rúm một góc cửa sổ gào thét van xin nhưng nhóm bạn gái vẫn lao vào đánh đập. Thậm chí, một nam sinh còn ném nguyên chồng ghế nhựa vào người nạn nhân. Nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai can ngăn.
Hình ảnh cắt từ clip nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng gây chấn động dư luận.
Sau gia đình trình báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh vụ việc. Theo kết quả điều tra, vụ việc xảy ra ngày 1/3 (trước thời điểm clip bị phát tán 2 tháng) ở lớp 7/5 trường THCS Lý Tự Trọng. Lý do nữ sinh bị đánh là do từ chối làm theo sự sai khiến của lớp trưởng.
Chiều 16/3, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện công bố quyết định kỷ luật với nhóm học sinh đánh bạn mang tính hội đồng tại trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh).
Theo đó, có 9 học sinh liên quan đến việc nữ sinh bị đánh và phát tán clip lên mạng, thuộc các lớp 7/5, 7/4, 7/13 và 7/14. Đối với lớp trưởng lớp 7/5, học sinh quay clip và nam sinh ném chồng ghế vào đầu nạn nhân, Hội đồng kỷ luật buộc thôi học một tuần. Một học sinh nữa được cho là liên đới vụ việc bị khiển trách. 5 học sinh còn lại bị cảnh cáo trước toàn trường.
Về phía nhà trường, UBND TP Trà Vinh đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác một tháng để làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng Phan Thanh Nguyên; hiệu phó Võ Thanh Vũ; Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm và giáo viên chủ nhiệm Võ Thành Tất.
Nữ sinh bị đánh đã được chuyển sang một trường quốc tế và được trường này đài thọ học phí đến hết năm học lớp 12.
Bài toán lớp 3 gây náo loạn dư luận
Giữa tháng 5, một bài toán ôn tập để thi cuối kỳ của học sinh lớp 3 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) được đăng tải trên tờ Vnexpress và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước. Hàng nghìn độc giả đã thử sức giải bài toán, trong đó có cả những tiến sĩ và đa số đều đánh giá đây là một bài toán vượt quá khả năng của học sinh lớp 3. Không chỉ gây xôn xao dư luận trong nước, bài toán còn được đăng tải trên báo Anh, thách thức nhiều độc giả quốc tế.
Giáo viên ra đề bài toán gây “bão” được xác định là bà Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Bài toán lớp 3 làm khó cả tiến sĩ
Theo trao đổi của bà Quyên với báo chí, bài toán được bà cho một nhóm học sinh có học lực khá giỏi khoảng 20 em làm thêm vào khoảng một tuần trước (thời điểm bài toán lên báo- PV), trích từ cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Mục đích khi bà Quyên ra bài toán hóc búa này cho học sinh là để kích thích khả năng tư duy của các em.
Liên quan đến vụ việc, Phòng GD-ĐT TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã yêu cầu hiệu trưởng và cô giáo Trường tiểu học Thăng Long, P.B’Lao, TP Bảo Lộc tường trình. Qua tường trình của giáo viên, lãnh đạo đơn vị này đã đề xuất xử lý ở mức độ nhắc nhở các cá nhân liên quan về việc đưa bài toán lớp 3 không nằm trong chương trình giảng dạy Bộ GD-ĐT theo quy định.
Học sinh bị đình chỉ học vì nói xấu cô giáo trên facebook
Câu chuyện xảy ra hồi đầu tháng 10, tại trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội). Khi đó, nữ sinh Q. lên facebook có lời lẽ ám chỉ xúc phạm cô giáo chủ nhiệm với nội dung: “Thật chẳng hiểu nổ tại sao lại bị đối xử như vậy? Tại sao không nói thẳng ra rằng “vì không đi học thêm nên dù có trả lời đúng tôi vẫn không cho điểm. Thực sự mình không muốn vì một người như vậy mà phá hủy đi niềm yêu thích của bản thân về bộ môn Văn”.
Sau khi sự việc được nhà trường phát hiện, ngày 12/10, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) đã yêu cầu nữ sinh này viết bản tường trình. Trong bản tường trình, nữ sinh thừa nhận hành vi xúc phạm giáo viên trên trang cá nhân và viết bản kiểm điểm xin lỗi giáo viên và nhà trường.
Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội
Ngày 19/10, tại buổi chào cờ, nhà trường công bố quyết định đình chỉ học 10 ngày đối với nữ sinh này trong khi em đang nằm viện vì bị sang chấn tâm lý với hình thức kỷ luật mà nhà trường đưa ra. Sự việc khiến phụ huynh bức xúc, có đơn khiếu nại gửi Sở GD-ĐT Hà Nội.
Không đồng tình với quyết định của Ban lãnh đạo nhà trường, phụ huynh em Q. đã có đơn khiếu nại gửi giám đốc Sở GD-ĐT và quyết định chuyển trường cho học sinh Q.
Sau sự việc, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa việc sử dụng facebook vào nội quy nhà trường. Thực tế, cũng có một số trường đưa ra một số quy định cho học sinh trong trường khi sử dụng facebook. Tuy nhiên, vấn đề quản lý học sinh trong vấn đề này không hề dễ.
Cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympya bị kỷ luật vì đi dự thảo không báo cáo và câu chuyện du học sinh nên ở lại hay về nước
Câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ với thông tin bị xử lý vì “nói xấu” nhà trường trên Facebook đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12. Vụ việc bắt đầu từ chuyện anh Đăng đi dự hội nghị khoa học ở Hà Nội mà không báo cáo lãnh đạo nhà trường bằng văn bản.
Câu chuyện giảng viên bị kỷ luật vì nói xấu trường gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, vào tháng 3/2015 tại Hà Nội, anh Đăng tham dự một Hội nghị khoa học do Viện Toán học tổ chức nhưng không báo cáo bằng văn bản. Ngày 19/11 trường kỷ luật anh Đăng vì các lỗi tự ý nghỉ việc mà chưa được ban giám hiệu cho phép, tự ý nghỉ học, có hành vi xúc phạm tới lãnh đạo nhà trường. Ngày 21/11 anh Đăng viết trên Facbook về chuyện mình bị đối xử bất công với nhà khoa học; trong đó đưa các trao đổi - thông tin để chứng minh cho điều này. Từ tháng 11, anh Đăng chuyển sang làm công tác thư viện.
Doãn Minh Đăng từng là người chiến thắng trong vòng thi tháng tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympya cách đây 10 năm, được cử đi du học đợt đầu tiên theo đề án Mekong 1000 của TP.Cần Thơ. Sau khi du học tại Hà Lan, anh về công tác tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và giữ chức phó trưởng khoa Điện - Điện tử - Viễn thông và kiêm nhiệm trưởng bộ môn tự động hóa từ giữa năm 2014. Có tên trong quy hoạch phó hiệu trưởng, nhưng anh rút đơn khỏi quy hoach và xin ra khỏi Đảng.
Trao đổi với báo chí, anh Đăng cho biết, anh làm đơn rút khỏi quy hoạch Ban Giám hiệu vì muốn toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, không cần chức tước. Vị giảng viên này cũng chia sẻ mong mỏi nhà trường thay đổi cách ứng xử với những người được đưa đi đào tạo ở nước ngoài trở về yên tâm công tác.
Những lùm xùm liên quan đến việc anh Đăng bị kỷ luật vì nói xấu trường trên facebook cùng những phát ngôn của anh đã làm nóng lại tranh luận "người tài đi du học nên ở lại hay về nước làm việc". Nhiều cựu quán quân, á quân Đường lên đỉnh Olympia đã lên tiếng với nhiều ý kiến trái chiều.
Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm giáo sư
Giữa tháng 9, việc Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) quyết định tự bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu nhận được sự quan tâm của xã hội. Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, mục đích là bổ nhiệm các vị trí chuyên môn để phân công công việc và chế độ phù hợp cho thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối việc làm này của trường Tôn Đức Thắng và cho rằng giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự không thể tùy tiện phong.
ĐH Tôn Đức Thắng - nơi tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cũng khẳng định việc này không đúng quy định và cần dừng lại.
Theo trả lời của ông Nhị với báo chí, để công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, ứng viên phải qua ba cấp xét duyệt: Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù các trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia.
Giữa tháng 11, Đại học Tôn Đức Thắng vừa công bố điều chỉnh nội dung hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ đề nghị xét và bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của trường.
Theo đó, thay vì giữ chức danh giáo sư như trước đây trường sẽ bổ nhiệm hay đề bạt ba chức vụ gồm giáo sư trợ lý (Assistant Professor); giáo sư dự bị (Associate Professor); giáo sư thực thụ (Full Professor). Với những nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành tầm quốc tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của trường sẽ được bổ nhiệm chức vụ giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor).
Hà An