70 năm Giải phóng Thủ đô: Vang mãi khúc ca khải hoàn

(Ngày Nay) - Những ngày này, không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) ngập tràn trên khắp phố phường Hà Nội. Từ ngõ nhỏ, tuyến phố, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị… đỏ sắc cờ hoa, cổng chào, băng rôn, biểu ngữ, người dân náo nức chào đón ngày hội lớn.
Màn thực cảnh tái hiện "Ngày về chiến thắng" đi qua các cửa ô tiến vào Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: TTXVN.
Màn thực cảnh tái hiện "Ngày về chiến thắng" đi qua các cửa ô tiến vào Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Ảnh: TTXVN.

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm qua, những kỷ niệm thiêng liêng về Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn để lại cho lớp lớp người Hà Nội cảm xúc khó tả.

Ký ức hào hùng

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.

Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính...

Sắt son niềm tin với Đảng

Trong ký ức của các cựu chiến binh tham gia Đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước vẫn nguyên vẹn niềm tự hào và sắt son niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

70 năm Giải phóng Thủ đô: Vang mãi khúc ca khải hoàn ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Lân chia sẻ với phóng viên những ngày tham gia tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Trong ngôi nhà số 12 (ngách 2/31, ngõ 2, đường Đông Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) nằm ven sông Hồng, ông Nguyễn Văn Lân (sinh năm 1929, nhập ngũ năm 1949 tại đơn vị D18 Mặt trận Quân sự Hà Nội) vào Đảng tháng 3/1950 bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tham gia đánh địch ở sân bay Bạch Mai và sân bay Gia Lâm.

Theo tài liệu được gia đình ông gìn giữ như báu vật, ông cùng cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 108 thuộc Mặt trận Hà Nội đã trực tiếp đánh địch ở sân bay Bạch Mai vào đêm 17, rạng sáng 18/1/1950. Trận đánh này, quân dân thành phố Hà Nội phối hợp với tỉnh Hà Tây (cũ) đã tập kích sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay, đốt cháy hơn 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí đạn dược và tiêu diệt một số lực lượng của giặc. Chiến thắng phi trường Bạch Mai đã chứng minh cho tính ưu việt của cách đánh ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Từ đó, mở ra tiền đề nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện chiến thuật đặc công, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền móng lý luận chiến thuật độc đáo trong nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đến năm 1953, ông tiếp tục được tham gia đánh địch ở sân bay Gia Lâm. Tháng 7/1953, ông bị địch bắt tù đày, đến tháng 8/1954 được thả. Ngay trong năm 1954, ông đã tham gia tiếp quản, giải phóng Thủ đô. Với những cống hiến, đóng góp cho cách mạng, ông Nguyễn Văn Lân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Tham gia Việt Minh năm 1947 và hoạt động cách mạng ở làng Bái Ân, huyện Từ Liêm (cũ), ông Nguyễn Đình Bích (sinh năm 1936, ở số nhà A603, tòa NO1 - T1, Khu ngoại giao Đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) tham gia Ban Quân quản thành phố vào tháng 6/1954, đến ngày 7/10/1954 về tiếp quản Thủ đô. Ông Nguyễn Đình Bích không thể quên những ngày tháng được ra vùng giải phóng dự lớp học chính sách tiếp quản Thủ đô.

“Lúc ra đường phải ăn mặc như người lao động làm thuê, vì khi đó Tây còn đóng quân ở khắp nơi, kiểm soát hành lý. Ra làng Đông Phù, ăn, ở, học tập tại đây ba tháng, mọi người như anh, chị em một nhà. Tiểu đội mình được lệnh lên đường tiến vào trung tâm Thủ đô, vừa đi vừa tránh đụng độ, đến tối 7/10/1954 mới vào đến địa điểm”, ông Nguyễn Đình Bích nhớ lại.

Ông Nguyễn Đình Bích cho biết, Tiểu đội của ông ở cùng một gia đình cơ sở trong làng Ngọc Hà, được bà chủ nhà dẫn đi tham quan chùa Một Cột. Sau ngày 10/10, Tiểu đội cùng với một cán bộ đi kiểm tra phố Hàng Gai, Hàng Bông. Cả hai dãy phố loáng thoáng có vài gia đình ở; còn lại hầu hết là nhà bỏ không… Ký ức về những ngày tiếp quản Thủ đô theo ông suốt chặng đường công tác sau này. Về với đời thường, ông còn có nhiều năm tham gia công tác tại địa phương, là cán bộ cơ sở năng nổ với nhiều đóng góp.

Ở tuổi 90, ông Nguyễn Văn Khang (số nhà 18, ngõ 120, đường Trường Chinh, quận Đống Đa), Trưởng ban Liên lạc của Đội Thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô vẫn rất minh mẫn, giọng nói rõ ràng. Là Bí thư Chi đoàn Trường Tân Trào ở Tuyên Quang, tháng 5/1954, ông cùng một số thanh niên cứu quốc học giỏi, có khả năng thuyết phục được trường lựa chọn tham gia lớp chỉnh huấn về chính sách tiếp quản Thủ đô. Khi có quyết định chính thức thành lập Đội Thanh niên tiếp quản Thủ đô, tất cả đều vỡ òa sung sướng, nhưng cũng rất lo bởi người nhiều tuổi nhất mới 23, ít thì mới 15 - 17 tuổi.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ các chính sách của Chính phủ ta trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau. Địch vẫn còn đóng ở Thủ đô, đường phố vắng vẻ, chúng tôi đến từng nhà gõ cửa xin vào nhà gặp gỡ. Mấy lần gõ cửa, đến lần thứ 3 họ mới hé cửa mời chúng tôi vào”, ông Nguyễn Văn Khang cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, những ngày đầu thật khó khăn, đường phố không có hàng quán, nhiều nhà đóng kín cửa, không tiếp khách. Các Thanh niên tiếp quản Thủ đô vừa tuyên truyền để mọi người hiểu rõ các chính sách của Chính phủ, yên tâm ở lại Hà Nội làm ăn, sinh sống, không di cư vào Nam, vừa vận động người dân dọn dẹp đường phố sạch sẽ; chuẩn bị cờ hoa, khẩu hiệu, làm cổng chào, tập đàn, tập hát chuẩn bị đón bộ đội về tiếp quản.

Đêm 9/10/1954, mọi người hầu như thức trắng để làm cổng chào, treo cờ, căng khẩu hiệu. Sáng 10/10/1954, Hà Nội hân hoan trong ngày giải phóng, sạch bóng quân thù. Những ngày tiếp quản, Hà Nội điện vẫn sáng, xe điện vẫn chạy, nước vẫn đủ, mâm cơm buổi tối của các gia đình vẫn có đèn. Đời sống, công việc, học hành vẫn ổn định... nên người dân yên tâm với trật tự mới.

“Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son sáng chói trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu thời khắc Hà Nội sạch bóng quân thù, mở ra trang sử mới cho Thủ đô và đất nước. Đóng góp vào thành quả cách mạng to lớn đó có đóng góp của những người con ưu tú của Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu, hy sinh và làm nên những chiến công vẻ vang rất đáng tự hào”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định khi đến thăm, tặng quà tri ân gia đình người có công nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) bị sập 2 nhịp do bão lũ. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Bổ sung vốn để xây cầu Phong Châu mới
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1389/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.
Nhà cửa và ruộng lúa ở thị trấn Buguey, tỉnh Cagayan chìm trong biển nước. Ảnh: Getty Images
Philippines chao đảo khi 5 cơn bão lớn tấn công chỉ trong 3 tuần
(Ngày Nay) - Tuần trước, bão Yinxing đã xé toạc 1/4 mái nhà của bà Diana Moraleda tại thị trấn Appari, tỉnh Cagayan, miền Bắc Philippines. Lỗ thủng trên mái nhà vẫn còn đó khi bão Toraji gây mưa lớn vào cuối tuần và bão Usagi đổ bộ vào đất liền vào tối ngày 14/11.
Chuẩn bị tiêm vaccine phòng cúm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Thêm một ca tử vong do cúm A/H1 pdm
(Ngày Nay) - Ngày 15/11, thông tin từ trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế về ca bệnh tử vong do cúm A/H1 pdm.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện gia tăng.
TP HCM: Số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng
(Ngày Nay) - Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận số trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện gia tăng; trong đó, nhiều trẻ nhập viện khi đã có dấu hiệu nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa cơ quan.