Nhiều người dân ủng hộ việc thu phí vỉa hè, lòng đường
Từ ngày 1/1/2024, TP.HCM sẽ chính thức triển khai Quyết định 32/2023/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP, với mục tiêu quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường, đảm bảo an toàn, hiệu quả, mỹ quan đô thị, đồng thời có thêm nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng. Nhiều vạch kẻ sơn đạ được kẻ trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại TP.HCM để phân biệt khu vực cho thuê và lối đi dành cho người đi bộ.
Chị M, chủ quán cà phê cóc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, khu vực chị dùng để bán hàng rộng khoảng 3m2 trên vỉa hè. Việc kinh doanh vỉa hè thường xuyên gặp lực lượng trật tự đô thị, công an phường kiểm tra và nếu không chạy kịp sẽ bị thu giữ hàng quán, phạt hành chính. Do đó, nếu chủ trương cho thuê vỉa hè được triển khai, chị M. sẽ ủng hộ và sẵn sàng trả vài trăm nghìn tiền thuê vỉa hè hàng tháng để có thể yên ổn kinh doanh, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa biết sẽ đăng ký thuê vỉa hè ở đâu, thủ tục xin cấp phép như thế nào,... Nhiều người kinh doanh vỉa hè tại quận 1 cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thu phí và sẵn sàng đóng tiền thuê, thay vì thấy cơ quan chức năng phải tìm cách bỏ chạy, nay họ có thể trả tiền hàng tháng để có chỗ kinh doanh cố định.
Nhiều người bán hàng rong cho biết họ ủng hộ việc cho thuê vỉa hè và sẵn sàng trả tiền thuê hàng tháng. |
Nhiều tài xế xe cá nhân, doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ trước việc thành phố sắp thu phí đậu xe trên đường phố. “Việc đậu xe dưới lòng đường thường xuyên bị CSGT, cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở hay xử phạt. Thậm chí nhiều bảo vệ tòa nhà, người dân thấy xe đậu trên đường nhiều khi còn lại kiếm chuyện, đuổi đi không cho đậu”, tài xế xe 51F-861.24 cho biết. Theo tài xế này, việc thu phí đậu xe trên lòng đường giúp họ dễ dàng tìm được chỗ đậu xe, dù mất phí nhưng bù lại hạn chế nhiều phiền toái khi đậu xe trên đường phố.
Trong khi đó, nhiều tài xế taxi, xe dịch vụ không đồng ý chủ trương thu phí đậu xe ở lòng đường. Bởi lẽ, nếu thu phí thì số tiền thu nhập từ việc chạy xe hàng ngày của họ sẽ bị giảm xuống do phải đóng thêm khoản phí này, đồng thời họ thường xuyên đón, trả khách và chỉ đậu trong thời gian ngắn, nên không biết khi triển khei sẽ bị thu phí như thế nào. Anh H., tài xế taxi đang đậu xe đón khách trước cửa Nhà thờ Đức Bà (quận 1) cho biết, tài xế xe dịch vụ gần như ngày nào cũng phải ra đường. Mỗi ngày, sau khi trừ hết chi phí còn mấy trăm ngàn, tài xế này lo ngại sau này thu phí sẽ khiến thu nhập hàng ngày giảm xuống, ảnh hưởng tới cuộc sống.
Một số chủ cửa hàng kinh doanh tại các khu vực mặt tiền cũng cho rằng, họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê vỉa hè trước địa điểm kinh doanh để có chỗ đậu xe cho khách, cắm biển quảng cáo hay thực hiện những công việc phục vụ kinh doanh trên phần đất được nhà nước cấp phép cho thuê. Khi được hỏi về việc cho thuê vỉa hè, lòng đường, nhiều người dân cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, nhưng cần phải minh bạch trong việc thu phí và phải có khu vực cho thuê rõ ràng, tránh gây ảnh hưởng tới giao thông và cuộc sống người dân.
Hơn 900 tuyến đường tại TP.HCM đủ điều kiện cho thuê vỉa hè, lòng đường
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngoài việc sử dụng cho mục đích giiao thông, thì vỉa hè, lòng đường sẽ được Sở GTVT, UBND các quận, huyện, UBND TP.Thủ Đức xem xét, cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đảm bảo các tiêu chí và phù hợp với Quyết định 32/2023/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
Cụ thể, theo Sở Giao thông Vận tải, hè phố được sử dụng tạm thời để kinh doanh phải đảm bảo bề rộng từ 3 mét trở lên để khi tiển khai thực hiện, hè phố còn lại cho người đi bộ đảm bảo rộng tối thiểu 1,5 mét, đảm bảo thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở. Việc sử dụng hè phố để kinh doanh cũng phải hạn chế tối đa tại một số khu vực gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo, y tế, trường học. Về lòng đường, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ tổ chức thu phí sử dụng, bao gồm dải phân cách và đảo giao thông tại các tuyến đường do Sở quản lý.
Việc thu phí lòng đường khiến nhiều người lái ô tô yên tâm tìm được chỗ đậu xe trên đường, hạn chế tình trạng bị làm phiền hay bị xử phạt. |
Còn lại, UBND các địa phương sẽ tổ chức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường với những tuyến đường do địa phương quản lý. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, qua khảo sát có 900 tuyến đường phù hợp để cho thuê một phần vỉa hè, lòng đường để giữ xe hoặc phục vụ mục đích kinh doanh.
Các tuyến đường trên địa bàn thành phố sẽ được chia thành 5 khu vực với giá cho thuê khác nhau. Theo đó, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị Nam thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá cho thuê tại khu vực 1 là từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/m2/tháng với vỉa hè và 180.000 đồng – 350.000 đồng/m2/tháng với lòng đường. Khu vực 2 gồm khu vực quận 2 cũ (thuộc TP.Thủ Đức), quận 6, 7, 11, quận Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân có giá cho thuê từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/m2/tháng với vỉa hè và từ 70.000 đồng – 100.000 đồng/m2/tháng với lòng đường.
Khu vực 3 gồm 2 quận 9, Thủ Đức cũ(nay thuộc TP.Thủ Đức), các quận 8, 9, 12, Tân Phú, Gò Vấp. Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, còn huyện Cần Giờ thuộc Khu vực 5. Giá cho thuê vỉa hè tại các khu vực này là 20.000 đồng/m2/tháng với vỉa hè và 60.000 đồng/m2/tháng với lòng đường, riêng huyện Cần Giờ áp dụng mức giá cho thuê lòng đường là 50.000 đồng/m2/tháng.