Không để những cuộc ra quân lập lại trật tự vỉa hè thành hoạt động phong trào

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Bên lề Quốc hội ngày 2/6, đề cập về tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở các đô thị lớn hiện nay, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ để đem lại hiệu quả cao, đừng biến những cuộc ra quân thành hoạt động mang tính phong trào.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Thái Quỳnh Mai Dung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Thái Quỳnh Mai Dung. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quản lý lỏng lẻo, áp dụng pháp luật không nghiêm

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc), nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, kinh tế vỉa hè là nét đặc trưng của một đô thị, cũng là nét đặc biệt thu hút khách du lịch có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Ở Việt Nam, kinh tế vỉa hè càng đặc trưng hơn, ở đó còn có cả câu chuyện về văn hóa, lịch sử truyền thống.

Bên cạnh đó, người dân đô thị lâu nay vẫn quen với việc mua sắm tiện lợi ngay trên vỉa hè, lề đường. Khách bộ hành cũng có nhu cầu ngồi lại với nhau, những lúc dạo phố nếu mệt, khát nước muốn uống một ly cà phê, ly trà vẫn có thể thưởng thức, miễn không cản trở giao thông và người đi bộ khác. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều người đã tìm đến kinh tế vỉa hè để mưu sinh.

Tuy nhiên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, việc sử dụng vỉa hè cho các hoạt động văn hóa, kinh doanh những năm qua khá tự do, thiếu cách thức quản lý phù hợp, đã ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ùn tắc giao thông. Hành vi chiếm dụng vỉa hè để làm chỗ đỗ xe, kê bàn ghế, xe hàng, bày biện hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ… diễn ra khá phổ biến tại các tuyến đường ở các khu đô thị, đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng … Chiếm dụng vỉa hè ngoài những người bán hàng rong, xe đẩy hàng lưu động, còn có các hàng quán, người kinh doanh ngay mặt tiền đường…

Phân tích theo góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhấn mạnh, chúng ta quy định người đi bộ đi trên vỉa hè, thực hiện đúng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, thực tế lại không làm được như vậy, đặc biệt là các đô thị lớn, vỉa hè không được dành cho người đi bộ. Đại biểu cho rằng, người dân có nhu cầu đi bộ rất cao. Do vỉa hè bị lấn chiếm, họ phải sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ dưới lòng đường dù biết nguy hiểm.

Việc đi bộ hằng ngày cũng là một trong những hoạt động giúp tăng cường sức khỏe. Chính vì vậy, việc vỉa hè không còn chỗ cho người đi bộ sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, không chỉ là vấn đề giao thông mà còn ảnh hưởng đến thói quen vận động của người dân. Báo cáo của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, 22,22% người Việt thiếu vận động, thiếu hoạt động thể lực.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ra quân rất nhiều lần để giành lại vỉa hè, nhưng cũng chỉ như "bắt cóc, bỏ đĩa" vì lực lượng chức năng chỉ dẹp được trong một vài ngày, thực hiện chiến dịch ra quân xong rồi thôi. Theo đại biểu, nguyên nhân là chúng ta chưa có một giải pháp căn cơ và thực sự hiệu quả.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó thực hiện triệt để việc giải phóng vỉa hè, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, chính là sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền và lực lượng chức năng tại cơ sở, thậm chí có những nơi còn có sự tiếp tay, thỏa thuận ngầm nhằm chia sẻ lợi ích. “Các cơ quan báo chí đã có nhiều phóng sự phản ánh việc chiếm dụng không gian chung làm bãi đỗ xe trái phép, hay đối tượng nọ, kia ngang nhiên sử dụng vỉa hè trái phép để kinh doanh nhưng đến nay vẫn tồn tại”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh, việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ khó đạt kết quả khi hầu hết người dân dù biết là sai nhưng vẫn vi phạm và chính quyền địa phương chỉ dừng lại ở việc tổ chức các đợt ra quân, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, căn cơ. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà vấn đề nằm ở chỗ áp dụng pháp luật không nghiêm.

Phối hợp tìm giải pháp đồng bộ, căn cơ

Từ tháng 2/2017, Hà Nội tổ chức lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc này được triển khai rầm rộ trong nửa năm, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè bán hàng, trông giữ xe sau đó vẫn tiếp tục tái diễn.

Phân tích về việc này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, muốn công cuộc giành lại vỉa hè hiệu quả, cần phải điều tra rất kỹ nguyên nhân vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng bởi những đối tượng nào. Một phần trong số đó là dân nghèo thành thị, họ buộc phải bám vào không gian đó để mưu sinh. Đây chính là vấn đề xã hội rất phức tạp. Muốn giải quyết triệt để, cơ quan chức năng và chính quyền cần phải tìm cách giải quyết kế sinh nhai cho họ.

“Chúng ta phải linh hoạt trong xử lý chứ không thể mạnh tay theo kiểu triệt đường sống của người ta được, nên phải có tính toán rất kỹ lưỡng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến này, theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè bằng mệnh lệnh hành chính là khó khả thi vì gắn với nhu cầu xã hội. Thay vì cố gắng xóa bỏ tình trạng này, chính quyền đô thị nên có chính sách linh hoạt, mềm dẻo để khắc phục hạn chế, bất cập, tồn tại. Thực tế có nhiều trường hợp việc buôn bán trên vỉa hè chính là thu nhập nuôi sống cả gia đình nên chính quyền cần có giải pháp tạo điều kiện sắp xếp cho họ một địa điểm thích hợp tiếp tục kiếm sống. Thay vì cấm nên xem xét cho phép sử dụng vỉa hè và quản lý việc này thông qua các quy định cụ thể.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung phân tích, về quy hoạch, cần phân định các tuyến phố, khu phố, theo đó với các tuyến phố ở khu vực trung tâm thành phố, tuyệt đối không được lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tại các tuyến phố ở ngoại vi, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành cấu trúc đô thị có thể linh hoạt chấp nhận cho kinh doanh buôn bán trên vỉa hè theo từng khu, từng khung giờ, góp phần phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Về chủ trương cho thuê vỉa hè để kinh doanh của thành phố Hà Nội, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc này đang được người dân đón nhận tương đối tích cực với mục tiêu quản lý hiệu quả, mang lại nguồn thu cho Nhà nước, vừa tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc quản lý sao cho hiệu quả, tránh tình trạng lấn chiếm quá đà vẫn là bài toán khó nếu không nâng cao ý thức của người dân cùng với thực thi, chấp hành pháp luật.

Phân tích kỹ về chủ trương này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ, vì nếu không sẽ mâu thuẫn với quy định của Luật Giao thông đường bộ là vỉa hè dành cho người đi bộ. Bên cạnh đó, đại biểu lưu ý, nếu không khéo léo đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề triệt để mà nhìn một góc độ khác, người dân lại chỉ thấy đây là một hình thức tận thu của chính quyền.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng, sự việc này liên quan nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. Vì thế, để giải quyết bài toán giành lại vỉa hè cho người đi bộ hiệu quả, cần có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan để tìm ra những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và căn cơ, tránh tình trạng hô hào, ra quân đồng loạt theo phong trào nhưng hiệu quả đem lại không cao…

Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
Phở - Một thế kỷ định hình và lan tỏa
(Ngày Nay) - Phở ra đời trong bối cảnh giao thoa văn hóa Việt - Pháp đầu thế kỷ 20 và được coi là món ăn quốc dân của Việt Nam, vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng ẩm thực độc đáo. Từ những gánh hàng rong đến những quán phở gia truyền và hàng loạt chuỗi nhà hàng cao cấp, phở đã trở thành câu chuyện văn hóa và kinh tế mang tính biểu tượng.