Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018 công bố sáng nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Năm nay, GDP Việt Nam được dự báo tăng 7,1%, với lạm phát trung bình 3,7%.
Các lực đẩy chính với nền kinh tế là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu tăng mạnh, tiêu dùng nội địa cao, nông nghiệp phục hồi và môi trường kinh doanh - việc làm tiếp tục được cải thiện. Nhận xét về nợ công, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết: “Việc Chính phủ nỗ lực tăng thu ngân sách trên mọi lĩnh vực năm 2017 đã giúp giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP cuối năm, từ 63,6% năm 2016. Tài khóa được củng cố và lạm phát ở mức thấp sẽ tiếp tục giúp ổn định vĩ mô”.
Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Đó là khả năng khôi phục sự bền vững tài chính, củng cố cán cân đối ngoại, kiểm soát áp lực lạm phát và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên toàn cầu. ADB cho rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Vì thế, khi hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc đối đầu, Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng. Dù vậy, những diễn biến và ảnh hưởng từ việc này hiện vẫn rất khó phán đoán.
ADB cũng cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá cả, sức tiêu thụ nói chung và tăng trưởng kinh tế, do sẽ có nhiều loại thuế khác giảm xuống, như thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, thuế giảm cũng sẽ không tác động lớn đến ngân sách, do Chính phủ đã tìm được cách tăng thu từ nhiều nguồn.
Đánh giá về chứng khoán Việt Nam, ADB cho rằng quy mô thị trường vẫn còn nhỏ, thanh khoản thấp và dễ tổn thương. Trả lời câu hỏi về nợ thuế của Uber và mặt trái của Cách mạng Công nghiệp 4.0, cơ quan này cho biết trong bối cảnh ngày càng nhiều công nghệ, dịch vụ mới xuất hiện như ngày nay, Chính phủ cần tăng cường tìm hiểu để có biện pháp quản lý thích hợp.
Báo cáo của ADB cũng thúc giục Việt Nam giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng, nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững và công bằng. “Khi kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng lớn. Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam,” ông Sidgwick kết luận.