Hai ngày qua, dư luận cả nước quan tâm đến việc tử tù Hàn Đức Long (57 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang) được VKSND tỉnh này đình chỉ điều tra. Trước đó, ông Long từng 4 lần bị tòa án tuyên tử hình vì tội Giết người, Hiếp dâm và Hiếp dâm trẻ em.
Án oan bắt nguồn từ tranh chấp đất
Hơn 10 năm trước, ông Long có tranh chấp đất với mẹ con bà Ngô Thị Khuyến và Trương Thị Năm ở thôn Yên Lý. Trong lúc xô xát, ông Long nhặt viên gạch ném về phía những người đánh mình khiến bà Năm bị thương và phải nhập viện.
Sau vụ việc trên, vợ chồng ông Long phải bồi thường cho bà Năm 1,6 triệu đồng nhưng ông bà chỉ trả được 1,3 triệu, còn nợ 300.000 đồng. Mẹ con bà Năm sau đó yêu cầu gia đình ông Long phải trả đủ số tiền còn lại... nếu không sẽ “cho chết”.
Người phụ nữ hàng xóm sau đó đã viết đơn tố cáo ông Long từng hiếp dâm hai mẹ con bà. Không chỉ vậy, mẹ con bà Năm còn tố cáo ông Long là hung thủ hiếp dâm và giết cháu Yến ở cùng thôn.
Đơn tố cáo, lời khai của mẹ con bà Năm không có chứng cứ để chứng minh và hai người này không chứng kiến sự việc xảy ra với cháu Yến. Trong vụ án này cũng không có bất kỳ người nào thấy sự việc hay tố giác ông Long ngoài lời tố cáo thiếu cơ sở của hai mẹ con bà Năm. Kết quả giám định pháp y về tinh dịch cũng như các dấu vết của hung thủ để lại trên người nạn nhân cũng không liên quan gì đến ông Long.
Tuy nhiên, ông Long vẫn bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình về các tội Hiếp dâm, Giết người và Hiếp dâm trẻ em. TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án. Sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với ông Hàn Đức Long.
Xử lý những người gây oan sai
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là hai người phụ nữ tố cáo ông Long ngày ấy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống hay không.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 122 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì một người bị xem là phạm tội vu khống nếu có hành vi: "Bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền". Từ đó cho thấy mẹ con bà Năm dù không có cơ sở, không có chứng cứ và sẵn có tư thù cá nhân nên cố ý vu cáo ông Long giết người, hiếp dâm thì đã rõ ràng phạm tội Vu khống.
Hành vi vu khống trong vụ này là có tổ chức, giữa hai người có sự thống nhất, bàn bạc, thỏa thuận trước với nhau và cùng nhau thực hiện. Thêm vào đó, hai mẹ con bà Năm vu khống ông Long với các tội danh Hiếp dâm, Giết người và Hiếp dâm trẻ em có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Theo Khoản 3 Điều 8 Bộ Luật hình sự năm 1999 thì tội phạm mà ông Long bị tố cáo là "đặc biệt nghiêm trọng".
"Căn cứ Điều 122 Bộ Luật hình sự thì hành vi bà Khuyến và bà Năm nếu bị xử lý hình sự thì mức án cao nhất là 7 năm tù. Tuy nhiên, theo Điều 23 của bộ luật này, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm. Như vậy, hành vi Vu khống của mẹ con bà Năm đã hết thời hiệu truy cứu", luật sư Thi nói.
Cùng quan điểm với đồng nghiệp, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) khẳng định mẹ con bà Năm sẽ không bị xử lý hình sự vì thời điểm vu cáo đến nay là 11 năm là quá thời hạn truy cứu.
Theo luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn luật sư Hà Nội), trong vụ án này, ông Long có tội hay không có tội phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an. Bởi theo quy định của luật tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình không phạm tội chứ không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội.
Trong tất cả các phiên tòa, ông Long đều kêu oan, khẳng định mình bị bức cung, dùng nhục hình phải ký vào bản nhận tội. Do đó, trong việc gây nên oan sai cho ông Long cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở đây là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên….
Báo Gia đình Xã hội đưa, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra năm 2003 còn vụ ông Hàn Đức Long diễn ra năm 2005 nhưng nhiều cán bộ tham gia tố tụng vụ ông Chấn và ông Long là một.
Theo đó, tại các biên bản ghi lời khai vụ án Hàn Đức Long trước đây, điều tra viên là ông Đào Văn Biên (cũng là điều tra viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn). Chỉ huy điều tra vụ án Hàn Đức Long là ông Lê Văn Dũng, Phó phòng CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang (cũng là người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn).
Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bắc Giang hai vụ nói trên cùng là ông Đặng Thế Vinh.
Thời điểm hiện tại ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) đã bị truy tố ra trước tòa về hành vi làm sai lệch hồ sơ gây oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Tuy nhiên, phiên tòa dự kiến diễn ra hôm 25/11 vừa qua đã không diễn ra theo kế hoạch.
Ngoài ông Vinh, ông Trần Nhật Luật (nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên) cũng bị truy tố chung tội danh. Riêng ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, chủ tọa phiên phúc thẩm bác đơn kêu oan của ông Chấn) bị cáo buộc có hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư Trịnh Cẩm Bình, áp vào trường hợp của ông Hàn Đức Long, khi ông Long được cơ quan chức năng khẳng định oan sai, xin lỗi công khai, bồi thường đương nhiên phải xem xét trách nhiệm của những người làm sai dù họ đang phải chịu trách nhiệm hình sự trong một vụ án khác.
Tuỳ theo kết quả xác minh, điều tra về hành vi cụ thể của các điều tra viên, kiểm sát viên… để xác định trách nhiệm trong việc gây ra oan sai cho ông Hàn Đức Long. Nếu kết quả điều tra cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm cho cả hai lần phạm tội.