Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 610 hồ chứa. Trong đó, 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ chứa không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ (9 hồ đã chỉ đạo không tích nước).
Trong ngày 16/8, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xả lũ tại hồ thủy lợi thủy điện Cửa Đạt với lưu lượng 1.000 m3/giây. Hồ Cửa Đạt có dung tích thiết kế 1,45 tỷ m3, chiều cao thân đập 118 m, ngoài nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hệ thống sông Chu còn tưới, tạo nguồn cho 86.862 ha cây trồng.
Cùng với hồ Cửa Đạt, từ 15 giờ chiều ngày 16.8, Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn cũng đã ra thông báo Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) sẽ xả lũ trong 24 giờ tới đ với lưu lượng 1.500 – 2.000 m3/giây.
Hồ Cửa Đạt đã bắt đầu xả lũ. (Ảnh: Phúc Ngư) |
Ở các huyện ven biển Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), trong ngày 16.8, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tham gia cùng người dân neo đậu tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Phương án di dân cũng đã được chuẩn bị và sẵn sàng. Chính quyền sẽ phát lệnh sơ tán nếu bão số 4 khiến nước biển dâng cao và gây nguy hiểm.
Riêng 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện có 7.229 hộ với hơn 29.000 người sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương lên phương án cụ thể, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm khi có mưa lớn kéo dài.
Đối với hệ thống sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được dự báo là sẽ có đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3.0 đến 6.0 m; đỉnh lũ trên thượng nguồn sông Mã có khả năng ở mức báo động 2.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, báo Giao thông đưa tin, chiều tối ngày 16/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Nguyễn Đình Xứng tiếp tục có công điện số 12 về việc ứng phó với bão số 4.
Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở khu vực gần mép nước, trong phạm vi cách bờ biển 200m, tổ chức di dời sơ tán ngay các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (17/8) vùng tâm bão đi vào đất liền tỉnh Thanh Hóa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Nước lũ dâng cao chia cắt quốc lộ 15A, đoạn qua thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh. (Ảnh: Dân trí) |
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến 8h sáng nay, ngày 17/8, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có gì bất thường. Trong khi đó, các địa phương vẫn đang tích cực triển khai công an ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra.
Tại huyện ven biển Nga Sơn ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán dân ở sát mép nước đến nơi an toàn.
Tại huyện miền núi Lang Chánh, ngay trong đêm 16/8, địa phương này đã tổ chức sơ tán các hộ dân trong những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Công tác di dân đã hoàn thành.
Cũng theo nguồn tin trên, hiện tại, trời đang mưa, chưa có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, quốc lộ 15C đã sạt lở 3 điểm khiến giao thông bị chia cắt.
Tổng hợp