Áp lực cân bằng kinh tế và chính trị của tân Thủ tướng Thái Lan

(Ngày Nay) - Sau gần một năm tương đối bình lặng, thế giới chính trị Thái Lan đã bùng nổ hỗn loạn vào tuần trước, với việc Thủ tướng Srettha Thavisin bị trục xuất theo phán quyết gây chấn động của tòa án.
Áp lực cân bằng kinh tế và chính trị của tân Thủ tướng Thái Lan

Tình trạng hỗn loạn tại chính trường Thái Lan có kéo dài hay không tùy thuộc vào cách người kế nhiệm ông Srettha, một nữ chính trị gia 37 tuổi non kinh nghiệm nhưng lại có tên tuổi, giải quyết những bất ổn kinh tế và chính trị.

Bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu Thủ tướng Thaksin và là lãnh đạo đảng Pheu Thai, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 18/8 sau khi giành được sự ủng hộ của quốc hội hai ngày trước đó.

Sự kiện này diễn ra chưa đầy hai ngày sau khi các nhà lãnh đạo của các phe liên minh cầm quyền của Thái Lan tập trung tại dinh thự của ông Thaksin ở Bangkok để tham dự một cuộc họp khẩn cấp.

Động thái này giúp ông Thaksin tiếp tục duy trì ảnh hưởng chính trị thông qua con gái mình, một năm sau khi ông trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong.

Thời kỳ ông Thaksin cầm quyền vào đầu những năm 2000 đã chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Con gái ông sẽ tiếp quản một nền kinh tế với vô vàn thách thức: nợ hộ gia đình cao kỷ lục và một xã hội già hóa nhanh chóng trong bối cảnh năng suất và khả năng cạnh tranh xuất khẩu suy giảm.

"Một trong những thành tựu chính của ông Srettha là thu hút đầu tư nước ngoài và có các chính sách giảm phát thải carbon, sản xuất nhiều năng lượng tái tạo hơn và cải thiện kết nối internet xuất phát từ đó", Kirida Bhaopichitr, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết.

Nhưng đối với các chính sách khác như phát triển kỹ năng, tinh giản quy định và cho phép cạnh tranh nhiều hơn, vốn cũng quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, thì không có nhiều tiến triển.

Vài giờ trước cuộc họp tại dinh thự của ông Thaksin, liên minh gồm 11 đảng đã bị rung chuyển bởi một quyết định của Tòa án Hiến pháp nhằm tước chức thủ tướng của ông Srettha và giải tán nội các của ông.

Trong cuộc họp đó, phe liên minh cầm quyền đã nhanh chóng nhất trí rằng họ sẽ đoàn kết và bầu một thủ tướng mới trong đảng Pheu Thai. Việc phân chia các ghế trống trong nội các sẽ được tính toán sau đó.

Nhiều chính trị gia đã dự đoán một phán quyết có lợi cho cựu Thủ tướng Srettha mặc dù ông đã bổ nhiệm một bộ trưởng có tiền án vào nội các của mình. Nhưng tòa án đã phán quyết việc bổ nhiệm này là vi phạm đạo đức.

Phán quyết này đã gây sốc cho phe cầm quyền, khiến các nhà đầu tư tài chính hoảng sợ còn chỉ số chính của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan giảm mạnh xuống dưới 1.300 điểm. Chỉ số chỉ phục hồi hai ngày sau đó khi bà Paetongtarn giành được phiếu bầu của quốc hội để kế nhiệm ông Srettha.

Sự lo lắng của thị trường cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố nền kinh tế Thái Lan và tâm lý nhà đầu tư đối với liên minh cầm quyền. Trên thực tế, đây là mối quan tâm hàng đầu của liên minh. Hai thập kỷ biến động chính trị đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sức hấp dẫn đầu tư của Thái Lan, phần lớn là do chi tiêu công và các dự án cơ sở hạ tầng phụ thuộc vào sự ổn định của chính phủ.

Đảng Pheu Thai đã viện dẫn tình trạng kinh tế khó khăn vào năm ngoái là lý do khiến họ liên minh với phe bảo thủ để thành lập chính phủ. Liên minh này đã giành quyền kiểm soát chính trường vào tháng 5 năm 2023, bất chấp việc đảng Tiến bước, có đường lối cấp tiến, giành được đa số phiếu bầu tại Hạ viện.

Trong nhiệm kỳ gần một năm của ông Srettha, nền kinh tế Thái Lan vẫn duy trì được sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn chậm, chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 5% mà đảng Pheu Thai đã hứa với cử tri. Mức tăng trưởng đó đã nằm ngoài tầm với của Thái Lan kể từ năm 2012, vào đầu nhiệm kỳ của bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin.

"Thái Lan đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong 30 năm và vẫn chưa thể thoát ra mặc dù các đảng của Thaksin đã nắm quyền 4 lần", cựu ngoại trưởng Thái Lan Kasit Piromya bình luận. "Tất cả các dự án của ông Thaksin, dù thành công hay không, đều có thể được phân loại là chủ nghĩa dân túy ngắn hạn để giành phiếu bầu mà không cần phải tái cấu trúc nền kinh tế Thái Lan vốn rất cần thiết".

Tuy nhiên, sự ra đi của ông Srettha có thể giúp Pheu Thai thoát khỏi những cam kết kinh tế được đưa ra vội vàng như chương trình phát tiền kỹ thuật số cho toàn dân và một cây cầu đường bộ vận chuyển qua miền Nam Thái Lan vốn khó thu hút các nhà đầu tư.

Tại cuộc bầu cử năm ngoái, bà Paetongtarn đã giúp thu hút phiếu bầu của các cử tri trung thành với nhà Shinawatra. Trong khi ông Srettha tập trung vào việc thảo luận về chính sách kinh tế, đặc biệt là lời hứa tặng trao 10.000 baht (300 USD) cho những công dân có thu nhập thấp. Khoản tiền này rất đáng kể ở một quốc gia mà mức lương trung bình hàng tháng chưa đến 1.000 USD.

Nhưng chính phủ của ông Srettha đã phải vật lộn với những thách thức về mặt pháp lý và ngân sách đối với cái gọi là ví kỹ thuật số. Việc tài trợ vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi chính phủ bắt đầu đăng ký 30 triệu người Thái cho chương trình trị giá 500 tỷ baht vào ngày 1/8. Cựu Ngoại trưởng Kasit cho biết việc khăng khăng sử dụng ví kỹ thuật số sẽ là "tự sát về mặt chính trị" đối với thủ tướng mới.

Vào ngày giành được sự ủng hộ của quốc hội với tư cách là thủ tướng, bà Paetongtarn cho biết sẽ duy trì các biện pháp kích thích kinh tế do người tiền nhiệm đưa ra, nhưng không cam kết hoàn toàn với chính sách ví kỹ thuật số.

"Pheu Thai phụ thuộc nhiều hơn vào việc giữ được thiện cảm của giới cầm quyền hơn là thiện chí của công chúng", ông Napon Jatusripitak, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho biết.

Bộ Tài chính Thái Lan dự kiến ​​ví kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội tăng 1,2% đến 1,8% vào năm 2025, mặc dù Ngân hàng Thái Lan và các tổ chức nghiên cứu đã đưa ra dự báo thấp hơn. Nền kinh tế Thái Lan dự kiến ​​sẽ tăng trưởng chỉ hơn 2% trong năm nay.

Ví kỹ thuật số được cho là sẽ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân, một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế trong hai năm qua khi tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu bị đình trệ. Nhưng tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại từ 6,9% xuống 4% trong quý 2 khi lạm phát tăng và du lịch bước vào mùa thấp điểm.

Theo các nhà quan sát Thái Lan, bất chấp sự ồn ào của ví kỹ thuật số, không có thay đổi lớn nào đối với nhóm chính sách kinh tế được mong đợi.

Bà Paetongtarn sẽ có cơ hội tạo ra dấu ấn lớn hơn đối với nền kinh tế vào năm tới, khi nhiệm kỳ của Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput kết thúc.

Cựu Thủ tướng Srettha tiếp tục lịch sử thù địch của Pheu Thai với ngân hàng trung ương bằng cách gây áp lực công khai lên ủy ban chính sách tiền tệ để hạ lãi suất, cơ quan có thể hạn chế tác động của gói kích thích ví kỹ thuật số.

Ngân hàng trung ương đã từ chối thay đổi lãi suất chính sách, ở mức 2,5% kể từ tháng 10 năm ngoái, cảnh giác với lạm phát gia tăng và khuyến khích các hộ gia đình có đòn bẩy tài chính quá mức vay thêm nợ. Các khoản trợ cấp năng lượng được chính quyền Srettha chấp thuận vào tháng 9 năm ngoái đã đưa lạm phát xuống mức âm trong 6 tháng liên tiếp, nhưng giá cả bắt đầu quay trở lại phạm vi mục tiêu 1% đến 3% của Ngân hàng Thái Lan vào tháng 4.

Các khoản trợ cấp trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc đảng Pheu Thai có thể đàm phán với đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất về việc phân chia các ghế trong hai cơ quan là Bộ Năng lượng và Bộ Công nghiệp.

Bà Paetongtarn cho biết các cuộc bổ nhiệm nội các sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới, nhưng các cuộc bổ nhiệm sẽ cần được xem xét kỹ lưỡng hơn sau vụ việc xảy ra với người tiền nhiệm.

Việc giữ chân các nhà đầu tư sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho bà Paetongtarn khi "công chúa nhà Shinawatra" đảm nhiệm chức thủ tướng sớm hơn dự định và trong một môi trường bấp bênh hơn so với mong muốn của ông Thaksin.

"Sự thăng tiến của bà Paetongtarn phản ánh điểm yếu cũng như điểm mạnh của ông Thaksin", theo ông Peter Mumford, chuyên gia Đông Nam Á của công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group. "Cuối cùng, đảng Pheu Thai sẽ bị đánh giá dựa trên việc họ có xoay chuyển được nền kinh tế hay không".

Đối với bà Paetongtarn, thời gian tại vị của bà sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của ông Thaksin. Một cáo buộc về tội khi quân vẫn còn treo lơ lửng trên đầu ông Thaksin, hiện đã 75 tuổi.

"Ông ấy vẫn duy trì ảnh hưởng và quyền kiểm soát đối với Pheu Thai và phe áo đỏ", cựu Ngoại trưởng Kasit cho biết. "Nhưng chắc chắn là ông ấy đã bị suy yếu. Ông ấy đã rời xa đất nước và khuất phục trước những yêu cầu của quân đội và phe bảo thủ".

Theo Nikkei Asia
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.