Trong một tuyên bố được phát hành cho ấn phẩm tiếp thị Ad Age, Apple thừa nhận đoạn quảng cáo bị chỉ trích đã không đạt được mục tiêu trao quyền và tôn vinh các nhà sáng tạo.
Ông Tor Myhren, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông tiếp thị của Apple, đã lên tiếng xin lỗi: “Mục tiêu của chúng tôi là luôn tôn vinh cách người dùng thể hiện bản thân một cách đa dạng và biến ý tưởng của họ thành hiện thực thông qua iPad. Chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội chứng minh điều đó trong video này và chúng tôi xin lỗi”.
Đoạn quảng cáo cố gắng thể hiện những khả năng của chiếc máy tính bảng đời mới của Apple, chẳng hạn như xem các chương trình truyền hình, nghe nhạc và chơi trò chơi điện tử, đồng thời nhấn mạnh rằng chiếc IPad sắp cho ra mắt có kích cỡ đặc biệt mỏng.
Sau đoạn quảng cáo tai hại, dường như "gã khổng lồ" công nghệ này đã thành công trong việc hủy hoại danh tiếng của mình, khi những người khiếu nại cho rằng quảng cáo thực sự cho thấy công nghệ đang kìm hãm sự sáng tạo thay vì khuyến khích.
Nam diễn viên Hugh Grant cho rằng đây là hành động "tự hủy hoại trải nghiệm của con người”. Lời chỉ trích của ông Grant đặc biệt gay gắt vì mối lo ngại trong nhiều ngành công nghiệp sáng tạo về việc trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cướp đi công việc của con người.
Diễn viên kiêm nhà làm phim Justine Bateman, người lên tiếng chỉ trích việc sử dụng AI trong ngành điện ảnh, cho rằng quảng cáo của Apple đang "nghiền nát nghệ thuật".
Nổi bật trong số những lời chỉ trích đến từ cộng đồng người dùng Nhật Bản, họ cho rằng quảng cáo này “thiếu tôn trọng”. Một số người đã đề cập tới thuật ngữ "tsukumogami", vốn được sử dụng trong văn hóa dân gian Nhật Bản mô tả một công cụ có thể chứa linh hồn hoặc thậm chí là linh hồn của chính nó.
Một người giải thích: “Hành động phá hủy nhạc cụ là hành động kiêu ngạo và xúc phạm người Nhật chúng tôi”, trong khi một người khác cho biết các nhạc sĩ coi trọng nhạc cụ của họ “hơn cả mạng sống”.
Đoạn video cũng đưa ra những so sánh không mấy thiện cảm với một trong những quảng cáo nổi tiếng nhất của Apple được phát sóng vào năm 1984. Để ghi nhớ năm phát hành quảng cáo và cuốn tiểu thuyết của George Orwell, quảng cáo mô tả một vận động viên đang chiến đấu chống lại một tương lai đen tối.
Một người dùng cho biết quảng cáo mới "gần như hoàn toàn trái ngược về mặt nghĩa đen" và một người khác cho rằng quảng cáo này cho thấy Apple đã "trở thành thế lực phá hoại văn hóa vô danh mà họ tập hợp lại vào năm 1984".