Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết tên lửa Trường Chinh 2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu 13, được phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, phía Tây Bắc Trung Quốc, lúc 00h23 sáng 16/10 (giờ Bắc Kinh). Khoảng 582 giây sau khi phóng, tàu Thần Châu 13 tách khỏi tên lửa và đi vào quỹ đạo đã định sẵn. Sau khi đi vào quỹ đạo, tàu đã đến điểm hẹn tự động và "cập bến" thành công với module lõi Thiên Hà và tàu chở hàng Thiên Châu 2 và Thiên Châu 3. Các phi hành gia Trung Quốc sẽ lưu lại trong module lõi.
Đây là sứ mệnh bay thứ 21 kể từ khi chương trình không gian có người lái của Trung Quốc được phê duyệt và triển khai. Vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu 13 cũng là sứ mệnh thứ hai đưa các phi hành gia lên vũ trụ trong dự án xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ba phi hành gia trong sứ mệnh mới nhất của Trung Quốc gồm: Trác Chí Cương (Zhai Zhigang) - chỉ huy và là người đi bộ ngoài không gian đầu tiên của Trung Quốc; Vương Á Bình (Wang Yaping) - nữ phi hành gia Trung Quốc đầu tiên lên trạm vũ trụ và thực hiện các hoạt động ngoài vũ trụ; và Ye Guangfu - phi hành gia mới lên vũ trụ.
Ba phi hành gia Trung Quốc trong sứ mệnh Thần Châu 13 dự kiến lập kỷ lục mới về thời gian thực hiện sứ mệnh không gian có người lái của Trung Quốc, vượt mốc 3 tháng mà phi hành đoàn Thần Châu 12 đạt được khi lưu lại trên trạm vũ trụ đang xây dựng từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay.
Trong thời gian trên trạm vũ trụ đang xây dựng của Trung Quốc, họ sẽ có nhiều hoạt động như vận hành các cánh tay cơ khí, thực hiện các hoạt động bên ngoài không gian và kiểm tra chuyển đổi module. Các phi hành gia cũng sẽ tiếp tục xác minh các công nghệ quan trọng liên quan đến việc phi hành gia ở lại quỹ đạo lâu dài, cũng như công nghệ về tái chế và hỗ trợ cuộc sống.
Trong năm nay, Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện 5 lần phóng tàu vũ trụ, gồm phóng module lõi Thiên Hà, tàu chở hàng Thiên Châu 2, sứ mệnh Thần Châu 12 đưa phi hành đoàn, tàu chở hàng Thiên Châu 3 và sứ mệnh Thần Châu 13.