Tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều công bố Quyết định số 1598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số làm nền tảng để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ngành kinh tế khác.
Đáng chú ý, Bạc Liêu tập trung phát triển toàn diện kinh tế biển, trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; phát triển hài hòa, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc con người Bạc Liêu gắn với bảo tồn giá trị di sản, văn hóa, lịch sử; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bạc Liêu, đây là kết quả bước đầu cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Lữ Văn Hùng cho rằng: Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch và khát vọng Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa. Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện quy hoạch; đồng thời tập trung đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.
Các đơn vị cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện,...
Tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, năng suất cạnh tranh các ngành nghề có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu trong Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh cam kết tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Điều 2 của Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh khẩn trương tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sản phẩm cụ thể gắn thời gian hoàn thành, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Các cấp, ngành chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.