Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoàn lưu bão số 10 nhất là tình hình mưa lũ gây ra sau bão.
Ban chỉ đạo TƯ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt mạng. Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Rà soát việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, cơ số thuốc để sẵn sàng cung cấp sớm ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất. Huy động lực lượng khẩn trương xử lý các sự cố về đê điều; khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc; thu dọn cây bị đổ, gẫy, san gạt đất đá sạt lở đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh.
Kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn đảm bảo an toàn về người và tài sản. Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn ngập lũ, các đoạn đường bị sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, các bến đò ngang, đồng thời nghiêm cấm người dân vớt gỗ, củ trên các sông, suối để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình nhất là tại những trọng điểm xung yếu đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn công trình. Chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi xả lũ theo đúng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt khu vực hạ du.