Ngày 17/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa có buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cùng các sở, ban ngành, quận - huyện triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2017 về tình hình an toàn giao thông.
Nhắc đến câu chuyện nhiều ý kiến phản biện về lắp barie vỉa hè, ông Khoa cho rằng ý tưởng này thì đúng nhưng Sở GTVT cần xem xét lại cách. Việc làm ba cái thanh chắn so le như vậy thì người kể cả người đi bộ cũng khó chịu và có thể vấp ngã.
Phó chủ tịch thành phố yêu cầu Sở GTVT vẫn duy trì việc lắp barie vỉa hè, tuy nhiên cần điều chỉnh cách lắp đặt song song và chừa hẳn một khoảng đủ rộng, khoảng 1 m, phía bên trong vỉa hè đảm bảo cho xe người khuyết tật, người đi bộ đi qua.
Về hình dáng, ông đề nghị Sở GTVT có thể nâng cao barie lên ngang thắt lưng để những người đi bình thường dù không chú ý cũng không vấp ngã.
“Có thể xe máy vẫn đi vào nhưng số ấy chỉ chiếm khoảng 10% và khi đó lực lượng chức năng có đủ nhân lực để xử phạt, vậy chứ chúng ta đừng có làm gì cho rắc rối thêm”, ông Khoa chỉ đạo.
Trước đó, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT TP.HCM) phối hợp với UBND phường Bến Nghé (quận 1) thí điểm lắp barie ở vỉa hè các đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc lắp đặt sau đó nhận nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, người dân lo lắng đến sự an toàn của người đi bộ và ảnh hưởng đến việc di chuyển của người khuyết tật.
Sau đó, UBND quận 1 vừa gửi văn bản kiến nghị Sở GTVT xem xét lại tính pháp lý, hợp lý của việc lắp barie tại các tuyến đường này.
Trao đổi với Zing.vn, nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn tính hiệu quả của giải pháp. Tiến sĩ Phạm Sanh cho biết việc lắp barie lại làm ảnh hưởng đến người đi bộ, đặc biệt là người khuyết tật, đi xe lăn.
"Nếu tai nạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta muốn ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nhưng nếu có tai nạn thì lại vi phạm pháp luật", tiến sĩ Phạm Sanh nói.